Tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh đạt trên 21%/năm

Đến 31/3/2025 đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Hiện có 57 tổ chức tín dụng có dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng tăng gần 1% so với cuối năm 2024 với số món được đánh giá rủi ro mô trường xã hội đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện năm 2017...

Ngày 21/5, tại Tọa đàm đẩy mạnh triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2023 và công bố sổ tay hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho hay, tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017–2024 đạt trên 21%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành. Điều này cho thấy tín dụng xanh không còn là khái niệm mới lạ mà đã trở thành một hướng đi chiến lược được nhiều ngân hàng tích cực theo đuổi.

NHNN cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017–2024 đạt trên 21%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành.

NHNN cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017–2024 đạt trên 21%/năm, vượt xa tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành.

Đến 31/3/2025 đã có 58 tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 37%) và nông nghiệp xanh (trên 29%); tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng xanh bình quân đạt hơn 21,2%/năm trong giai đoạn 2017-2024, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế.

Hiện có 57 TCTD có dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,62 triệu tỷ đồng tăng gần 1% so với cuối năm 2024 với số món được đánh giá rủi ro mô trường xã hội đạt gần 1,3 triệu món, tăng hơn 15 lần so với thời điểm bắt đầu thực hiện năm 2017.

Hiện nay, Agribank là ngân hàng dẫn đầu về số lượng khách hàng được cấp tín dụng thuộc lĩnh vực xanh. Quý I/2025, hơn 41.600 khách hàng được vay vốn và tổng dư nợ đạt gần 29.300 tỷ đồng (trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; lâm nghiệp bền vững và lâm nghiệp xanh).

Tuy nhiên, NHNN cũng cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay khiến nhiều ngân hàng chưa phát sinh tín dụng xanh là do khuôn khổ pháp lý để triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh và phát triển bền vững chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích về tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh chưa được hoàn thiện đồng bộ để tạo động lực khơi thông thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

Các ngân hàng cũng cho biết hiện nay nhu cầu vốn thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia rất lớn, trong khi các nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thị trường tài chính, thị trường tín chỉ carbon chưa phát triển hoặc chưa triển khai, gây áp lực vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng. Trong khi bản thân các ngân hàng khó cân đối, bố trí nguồn lực tài trợ các dự án xanh do phải đáp ứng quy định tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn để tài trợ cho các dự án xanh.

Chưa kể, việc huy động, tiếp nhận nguồn vốn từ các tổ chức quốc tế còn hạn chế do chi phí vốn còn cao. Thống kê của NHNN cho thấy, hiện nay có 20 ngân hàng huy động được nguồn vốn này.

Chẳng hạn, đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh đạt 80.870 tỷ đồng, nhưng huy động vốn cho vay dự án xanh rất thấp. Cụ thể, sản phẩm tiền gửi xanh huy động được 8.500 tỷ đồng, trong đó riêng năm 2024 huy động gần 5.000 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm là 3.000 tỷ đồng. Trái phiếu xanh huy động được 2.500 tỷ đồng trong năm 2023 và 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững năm 2024. Nguồn vốn phát triển năng lượng tái tạo (REDP) từ Ngân hàng Thế giới 202 triệu USD, nguồn vốn hiệu quả tiết kiệm năng lượng là 50 triệu USD. Hai hạn mức tín dụng môi trường từ Ngân hàng EIB là 130 triệu Euro.

Để đáp ứng nguồn vốn cho tăng trưởng xanh, ở góc độ ngân hàng, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), cho rằng cần sớm hoàn thiện và công bố hệ thống thông tin, dữ liệu tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, tạo thuận lợi cho TCTD cấp tín dụng, quản lý rủi ro môi trường xã hội. Đồng thời, xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ các TCTD tiếp cận, huy động các nguồn tài chính quốc tế với điều kiện ưu đãi.

Trong khi đó, để thúc đẩy thị trường trái phiếu xanh để huy động vốn cho các dự án xanh, theo các chuyên gia, các cơ quan quản lý phải thiết lập hệ thống phân loại xanh, giúp làm rõ tiêu chí hoạt động xanh và nâng cao tiêu chuẩn thị trường, đồng thời tăng cường giám sát việc tuân thủ. Đặc biệt, cần có đơn vị đánh giá độc lập đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và xác thực cam kết xanh của các tổ chức phát hành.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tang-truong-binh-quan-du-no-tin-dung-xanh-dat-tren-21-nam-1106963.html
Zalo