Tăng trưởng 2 con số, thách thức và triển vọng
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và hai con số giai đoạn 2026-2030 thì giải pháp then chốt theo các chuyên gia, đại biểu là phải thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tiếp theo được nhận định là rất thách thức nhưng cần phải đạt được để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, thịnh vượng, dân giàu, nước mạnh. Kỳ họp bất thường lần 9, Quốc hội (QH) khóa XV tuần qua đã thảo luận rất nhiều về kế hoạch bổ sung phát triển kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu này. Trong các phiên thảo luận ấy, những thách thức đã được các đại biểu (ĐB) đề cập và nêu ra giải pháp.

Doanh nghiệp sản xuất may mặc xuất khẩu tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Giải pháp then chốt
Trong phiên thảo luận tổ ngày 14-2, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 đã được Trung ương thảo luận và có nghị quyết giao cho Chính phủ, QH bàn các giải pháp. Trước đây, QH giao mục tiêu cho Chính phủ là 6%-6,5%, phấn đấu 7%-7,5%. “Nay phấn đấu tăng trưởng trên 8% là mục tiêu rất cao, cao nhất từ trước tới nay” - ông Trần Thanh Mẫn nói.
Chủ tịch QH cho hay chưa có năm nào Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các tỉnh, thành như năm nay. Nếu năm 2025 tăng trưởng 8% trở lên thì giai đoạn 2026-2030 mới tăng trưởng hai con số và hoàn thành được mục tiêu năm 2030 là trở thành nước có thu nhập trung bình cao.
Giải pháp then chốt để đạt mục tiêu này, theo Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn là thúc đẩy kinh tế tư nhân. Bởi trong tổng mức đầu tư toàn xã hội thì đầu tư tư nhân chiếm tới 55%.
“Đây là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trên 8%. Để phát triển kinh tế tư nhân, quan trọng nhất là cải cách thể chế, để nhà đầu tư yên tâm khi thấy Chính phủ thực sự mở cửa, thực sự mong chờ họ đến đầu tư và tiền họ bỏ ra đầu tư thực sự có hiệu quả” - Chủ tịch QH phân tích và khẳng định cải cách thể chế giúp tăng niềm tin của nhà đầu tư với Chính phủ.
Khi phát biểu về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định nếu Nghị quyết này được triển khai sẽ hỗ trợ rất tốt cho mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025. Bởi then chốt của tăng trưởng 8% chính là kinh tế tư nhân phải phát triển. Mà trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số thì tư nhân đi đầu.
Trao đổi với PV, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay: “Tổng Bí thư Tô Lâm rất đồng ý với định hướng phải thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển”.

ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình). Ảnh: QH
Trên diễn đàn QH, ĐB Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nhìn nhận cần tăng cường tính liên kết giữa doanh nghiệp (DN) trong nước với DN FDI, DN nhỏ và vừa với các DN lớn trong nước. “Cái gì thuộc Chính phủ thì Thủ tướng quyết, thuộc bộ thì bộ quyết, thuộc tỉnh thì tỉnh quyết, người đứng đầu quyết” - ông Thân nói và đề xuất hãy mạnh dạn, tin tưởng giao cho DN tư nhân, quyết tâm giao cho DN tư nhân vì DN tư nhân của chúng ta bây giờ lớn rồi.

ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai). Ảnh: QH
Bày tỏ đồng tình với việc quan tâm, đặt chỉ tiêu cho đầu tư tư nhân, ĐB Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng phải tiếp tục quan tâm đến hệ thống DN tư nhân, phải có tinh thần phụng sự và phục vụ để DN phát triển thông qua việc tháo gỡ những nút thắt về thể chế, về quy trình, thủ tục và đặc biệt là về nguồn lực để cho DN tư nhân phát triển.
“Nếu đầu tư tư nhân chỉ tăng trưởng 7%-9% sẽ rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng chung. Chúng ta cần đặt mục tiêu tăng trưởng đầu tư tư nhân lên hai con số” - ông An đề xuất.
Khó khăn, thách thức
ĐB Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) rất đồng tình khi cho rằng muốn đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và hướng tới đạt hai con số thì DN phải mạnh, phải lớn. DN mạnh thì cần có nguồn vốn kích cầu để phát triển sản xuất, kinh doanh đạt doanh thu lớn để nộp ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng nêu thực trạng là hiện nhiều DN nhỏ, vừa và siêu nhỏ gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tiếp cận vốn ngân hàng và lãi suất còn cao, dẫn đến sản xuất, kinh doanh chưa đạt hiệu quả.

ĐB Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định). Ảnh: QH
Dẫn số liệu từ Ủy ban Kinh tế, ĐB Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định), cho hay tháng 1-2025 rất nhiều DN ngưng hoạt động và khả năng tiếp cận tín dụng vẫn còn thấp. Bà Hạnh đề nghị cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thủ tục hành chính để nền kinh tế hấp thụ nhanh nguồn vốn ngay trong sáu tháng đầu năm, trong đó cần quan tâm đến các dự án đầu tư của khu vực tư nhân. Đồng thời, đánh giá sát hơn những khó khăn hiện nay của khu vực tư nhân trong nước, nhất là DN nhỏ và vừa trong lĩnh vực xuất khẩu.
Những vấn đề này trùng khớp với số liệu từ Tổng cục Thống kê đưa ra hôm 6-2. Theo đó, trong tháng 1-2025, có 10.700 DN đăng ký thành lập mới, tăng 6,6% so với tháng 12-2024 nhưng giảm 30,3% so với cùng kỳ năm trước. Có hơn 58.300 DN rút lui khỏi thị trường, tăng 8,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh việc cho rằng tình hình này do sự linh hoạt, nhạy bén của DN, cơ quan thống kê nhìn nhận còn có những thách thức từ môi trường kinh doanh, những rào cản về ngành nghề, điều kiện kinh doanh đang cản trở hoạt động và làm tăng chi phí tuân thủ, làm giảm động lực đầu tư, kinh doanh của DN.
“Đây là tín hiệu cảnh báo, đòi hỏi cần tiếp tục nghiên cứu, có giải pháp căn cơ” - Tổng cục Thống kê nhận định.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên năm 2025 và hai con số giai đoạn 2026-2030 thì giải pháp then chốt theo các chuyên gia, đại biểu là phải thúc đẩy kinh tế tư nhân. Ảnh: NGUYỆT NHI
Cần vực dậy DN trong nước
TS Mạc Quốc Anh, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, nhận định hiện DN trong nước đang yếu đi.
Dẫn chứng, ông nói tỉ lệ phá sản và giải thể tập trung ở các DN sản xuất, xây dựng và bất động sản, phản ánh rõ rệt sự suy yếu của khu vực DN trong nước. Chỉ số PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) sản xuất trong nước liên tục dưới ngưỡng 50 điểm trong nhiều tháng cuối năm 2024 cho thấy hoạt động sản xuất bị co hẹp.
Môi trường kinh doanh vẫn còn tồn tại nhiều rào cản pháp lý và chi phí tuân thủ cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như bất động sản, công nghiệp chế tạo và xuất nhập khẩu. “Chi phí tuân thủ pháp lý chiếm khoảng 10%-15% doanh thu của các DN nhỏ và vừa. Thời gian xử lý thủ tục hành chính trung bình cho một dự án đầu tư lớn kéo dài hơn 10 tháng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng triển khai dự án” - TS Mạc Quốc Anh cho biết.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, đến cuối năm 2024, có hơn 5.000 dự án trên cả nước đang gặp khó khăn trong việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, tương ứng tổng giá trị các dự án bị đình trệ ước tính lên đến hơn 1,2 triệu tỉ đồng. Ngành bất động sản, vốn chiếm khoảng 11% GDP, đang rơi vào trạng thái trì trệ nghiêm trọng, kéo theo hệ quả không tốt cho nhiều ngành phụ trợ như xây dựng và vật liệu xây dựng.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ảnh: QH
Phân tích thêm, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng nhìn nhận đầu tư tư nhân tăng thấp, trung bình bốn năm chỉ bằng hơn 1/3 so với trung bình thời kỳ 2014-2019 (trung bình chỉ đạt 5,8%). Đầu tư công năm 2024 chỉ tăng 3,3%, đột ngột giảm mạnh từ mức trung bình 19% trong hai năm 2022-2023.
“Khu vực DN trong nước đang yếu đi, môi trường kinh doanh chưa có dấu hiệu cải thiện, vướng mắc pháp lý đối với hàng ngàn dự án đầu tư về cơ bản chưa được tháo gỡ” - TS Nguyễn Đình Cung nói và cho rằng đầu tư trong nước, nhất là đầu tư tư nhân vẫn còn dư địa lớn có thể phát huy, bù đắp các động lực tăng trưởng khác đang yếu dần trong năm 2025.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cần tập trung tất cả vấn đề liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân để xây dựng một nghị quyết riêng cho khu vực kinh tế tư nhân, trong đó gồm cả 5 triệu hộ kinh doanh, DN nhỏ và vừa, DN tư nhân có quy mô lớn đang có khả năng dẫn dắt và làm đầu tàu lôi kéo của nền kinh tế và của các ngành, lĩnh vực.
“Tất cả việc này Chính phủ đang tập trung lại và sẽ báo cáo với Trung ương để xin ban hành một nghị quyết giống như Nghị quyết 57 về khu vực kinh tế tư nhân” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
18 địa phương được giao mục tiêu tăng trưởng hai con số
Tại Nghị quyết 25/2025 về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, có 18/63 tỉnh, thành đã được Chính phủ giao mục tiêu phải tăng trưởng hai con số ngay trong năm 2025.
Gồm Quảng Ninh (12,0%), Hải Dương (10,2%), TP Hải Phòng (12,5%), Hà Nam (10,5%), Nam Định (10,5%), Ninh Bình (12,0%), Bắc Giang (13,6%), Điện Biên (10,5%), Thanh Hóa (11,0%), Nghệ An (10,5%), TP Đà Nẵng (10,0%), Quảng Nam (10,0%), Khánh Hòa (10,0%), Ninh Thuận (13,0%), Kon Tum, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đều 10,0%.
*****
Dư địa đầu tư tư nhân 2025 còn rất lớn
Cộng đồng DN trải qua năm 2024 khá ảm đạm. Số DN thành lập mới tăng thấp, trong khi đó số DN rút khỏi thị trường ở mức cao. Kết quả là hệ số DN gia nhập thị trường/rút khỏi thị trường ở mức 1,18, là mức thấp nhất cho đến nay. Số DN còn hoạt động tăng thêm năm 2024 chỉ hơn 35.000, cũng là số thấp nhất cho đến nay.
Điều này dẫn đến hệ quả tốc độ tăng đầu tư tư nhân trong bốn năm nhiệm kỳ 2021-2025 rất thấp, trung bình chỉ đạt 5,8%. Đầu tư công năm 2024 chỉ tăng 3,3%, đột ngột giảm mạnh từ mức trung bình khoảng 19% trong hai năm 2022-2023.
Như vậy, có thể nói đầu tư trong nước, nhất là đầu tư tư nhân vẫn còn dư địa lớn có thể phát huy, bù đắp các động lực tăng trưởng khác đang yếu dần trong năm 2025.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG
*****
Ý KIẾN
TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng:
Ít doanh nghiệp cỡ nhỏ vươn lên thành cỡ vừa
Tuổi thọ của một DN tư nhân của Việt Nam tương đối ngắn. Những DN tư nhân nào hoạt động được trên 10 năm thì có thể vươn lên thành DN cỡ vừa vừa nhưng rất ít.
Tính liên kết và tính hợp tác của khu vực tư vô cùng yếu. Nông sản là thế mạnh của chúng ta nhưng theo cách ấy, xuất khẩu gạo, cá, tôm vẫn còn phổ biến tranh bán. Trong nước cạnh tranh lẫn nhau, ép giá chỉ để thỏa mãn khách hàng bên ngoài.
Cứ như vậy thì DN xuất khẩu nông sản cùng nông dân chưa thể tập hợp nhau lại, chưa liên kết để trở thành một lực lượng, có lượng hàng đủ lớn để có thể điều tiết, chi phối được thị trường. Như thế thì cũng khó có thể đầu tư được công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị hàng hóa Việt. Khi không gắn được vào chuỗi giá trị sản xuất bền vững thì cũng khó có thể theo dài tuổi đời của DN.
DN siêu nhỏ thì có thể nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất, phản ứng linh hoạt với các biến động bên ngoài, có thể tạo nhiều công ăn việc làm. Tuy nhiên, về mặt thị trường lao động, làm ăn nhỏ lẻ khó có thể chăm lo tốt an sinh xã hội cho người lao động và có thể đẩy một lúc rất nhiều lao động dôi dư ra thị trường.
Số liệu về tình hình DN thành lập mới cũng như giải thể, dừng hoạt động đã cho thấy rõ đặc điểm đó của khu vực tư nhân.
-----
Ông ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:
Tạo ra việc làm là mối quan tâm hàng đầu
Ở bên ngoài tòa nhà Phòng Thương mại Mỹ tại Washington, D.C., một khẩu hiệu rất lớn được treo ghi rằng: “Việc làm cho nước Mỹ và nghị trình phát triển”.
Mà muốn tạo thêm nhiều việc làm thì phải tạo thuận lợi cho kinh doanh. Hàng loạt giải pháp như cải cách thuế, phát triển và mở rộng nguồn cung năng lượng, đào tạo, thu hút và đầu tư vào nguồn nhân lực, cải thiện chất lượng hạ tầng, tạo lập hệ thống tư pháp công bằng, hiệu quả, cải cách hệ thống quy định pháp luật... luôn được xem là ưu tiên trọng tâm trong hoạt động của chính quyền. Và DN nào tạo ra nhiều việc làm sẽ được chào đón, trọng vọng và tôn vinh.
Hiện nay, Việt Nam ngoài thảo luận về các chỉ số như tăng trưởng GDP, tăng trưởng công nghiệp, xuất khẩu, dịch vụ, nông nghiệp… thì vấn đề tạo thêm được nhiều việc làm phải là mối bận tâm hàng đầu với chính quyền các địa phương. Nhất là trong bối cảnh không phải lúc nào khoảng cách niềm tin giữa chính quyền và DN cũng ngắn hơn thời gian chờ đợi thủ tục hành chính.
-----
TS CẤN VĂN LỰC:
Tăng hệ số ICOR, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
Theo tính toán của Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV, chất lượng tăng trưởng qua hệ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thể hiện qua tỉ lệ vốn đầu tư so với tốc độ tăng trưởng) của Việt Nam còn thấp. Tức phải cần 5-7 đồng vốn mới có 1 đồng tăng trưởng, đây là mức rất là cao so với bình quân của thế giới. Ở những giai đoạn tăng trưởng tốt, ICOR của các quốc gia phát triển chỉ khoảng 3,5-4 lần.
Yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng giai đoạn tới là khu vực kinh tế tư nhân với chủ lực của cộng đồng DN nhỏ và vừa. Đây là lực lượng đông đảo chiếm đến 98% DN của Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, thời gian qua khu vực kinh tế này chưa đóng góp tương xứng cho nền kinh tế.
Để các DN tư nhân đóng góp tích cực và hiệu quả hơn cho tăng trưởng kinh tế tôi kỳ vọng Trung ương sẽ sớm chỉ đạo rà soát, sửa đổi thậm chí là ban hành chiến lược mới về phát triển loại hình kinh tế này. Song song với đó, cần rà soát, sửa đổi các luật liên quan đến hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Chỉ có phát triển khu vực này thì kinh tế tư nhân mới có thể đóng góp 60%-65% như định hướng của Trung ương đề ra.
NGHĨA NHÂN - MINH TRÚC ghi