Tăng trách nhiệm nhà giáo
Năm 2025, dự kiến có nhiều trường đại học thông báo bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét học bạ, như Trường Đại học Sư phạm TPHCM,
Năm 2025, dự kiến có nhiều trường đại học thông báo bỏ hoặc giảm chỉ tiêu xét học bạ, như Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM)…
Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 của Bộ GD&ĐT cũng siết chặt hơn phương thức xét tuyển này. Theo đó, Bộ đề xuất chỉ tiêu xét tuyển sớm không được vượt quá 20% tổng chỉ tiêu; với phương án xét học bạ, phải có kết quả học tập của cả năm lớp 12, đồng thời có điểm tổ hợp ít nhất 3 môn gồm Toán và Ngữ văn là môn bắt buộc. Trước đó, năm 2024, một số trường như: Trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Luật TPHCM... không xét tuyển bằng học bạ.
Xét tuyển bằng học bạ là phương thức tuyển sinh sớm có nhiều ưu thế, như tạo động lực để thí sinh nỗ lực học tập, giảm áp lực thi cử, thí sinh và cả nhà trường chủ động hơn trong tuyển sinh… Nhiều trường đại học, thí sinh đã lựa chọn phương thức này để tăng cơ hội trúng tuyển. Như năm 2023, xét tuyển từ kết quả học bạ là 30,24%, đứng thứ hai sau phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; năm 2024 có trên 200 trường đại học xét học bạ…
Tuy có những mặt tích cực nhưng xét tuyển thuần học bạ thời gian qua cũng bộc lộ một số bất cập. Dư luận ý kiến về tình trạng “làm đẹp” học bạ ở trường phổ thông. Các cán bộ tuyển sinh cho biết, điểm học bạ của các trường công lập và tư thục thường không đều nhau, khoảng cách chênh lệch lớn.
Đối sánh điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp các năm qua của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy có khoảng cách đáng quan ngại giữa các địa phương trong từng môn học. Điều này dẫn đến thiếu công bằng trong xét tuyển đầu vào. Nhiều trường đại học, nhất là trường tốp đầu chưa yên tâm với chất lượng xét tuyển bằng học bạ.
Phương án tuyển sinh nào cũng có tính hai mặt và việc xét tuyển bằng học bạ cũng không ngoại lệ. Về mặt lý thuyết, các trường đại học hoàn toàn có cách tuyển sinh và đào tạo phù hợp để bảo đảm chất lượng khi xét tuyển bằng học bạ.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến có những phương án kỹ thuật để tăng đánh giá quá trình, giúp các trường xem xét toàn diện hơn như khống chế tỷ lệ xét tuyển sớm, xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12…
Tuy vậy, để đảm bảo chất lượng xét tuyển bằng học bạ, quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá và lưu giữ điểm số ở trường phổ thông, đảm bảo quá trình này thực thi một cách tin cậy, minh bạch nhất.
Đến nay, Chương trình GDPT 2018 với mục tiêu phát triển năng lực toàn diện cho học sinh đã cho phép đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá. Với việc ứng dụng công nghệ sâu rộng, điểm số từng kỳ thi, đợt kiểm tra đánh giá tại các trường đều được cập nhật trên cơ sở dữ liệu chung nên cũng hạn chế được tình trạng sửa điểm như trước đây.
Dẫu vậy, việc tổ chức thi cử tại các trường hầu hết được sở GD&ĐT trao quyền cho từng đơn vị nên khó tránh tình trạng trường này ra đề dễ hơn trường kia. Ngoài các đợt thi giữa và cuối kỳ tập trung, nhiều mục điểm số nằm trong tay giáo viên trực tiếp đứng lớp, và việc “làm đẹp” học bạ vẫn có thể diễn ra nếu người thầy có hành vi tiêu cực.
Song song với việc đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng thực chất, toàn diện năng lực người học, tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm tra thường xuyên, khuyến khích kiểm tra thường xuyên và định kỳ qua hệ thống Kho học liệu số giáo dục; cần đặc biệt có biện pháp tăng cường nhận thức, đạo đức của đội ngũ thầy cô giáo và có chế tài nghiêm khắc với hành vi “làm đẹp” điểm.
Gần đây, Dự thảo Luật Nhà giáo đã đưa việc “Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong các hoạt động tuyển sinh, kiểm tra, thi, đánh giá người học” vào nhóm các hành vi nghiêm cấm với giáo viên. Nếu được thông qua, đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để tăng cường nhận thức, trách nhiệm của người thầy trong việc đánh giá học sinh, hạn chế tối đa tình trạng “làm đẹp” học bạ.