Tăng tốc triển khai bệnh án điện tử

Số lượng bệnh viện triển khai bệnh án điện tử trên cả nước còn rất chậm, trong khi lợi ích của việc triển khai bệnh án điện tử rất rõ ràng

Việc triển khai bệnh án điện tử đang góp phần tạo ra những bệnh viện không giấy tờ, giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động. Bệnh án điện tử được Bộ Y tế đánh giá là cốt lõi cho nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Rút ngắn hành trình chuyển đổi số ngành y

Làm các thủ tục nhập viện cách đây ít ngày tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Thanh (62 tuổi, ngụ tỉnh Bắc Ninh) khá bất ngờ vì thủ tục đơn giản hơn trước rất nhiều. Chỉ cần quét mã căn cước công dân, các thông tin cá nhân cơ bản và cả bệnh sử của bà đều hiển thị, nhanh chóng được phân luồng, thuận tiện thăm khám.

"Trước khi vào viện, tôi xác định tâm lý phải chờ đợi cả ngày, thế nhưng mọi thứ rất nhanh, chỉ trong khoảng 3 giờ đã xong. Thanh toán chi phí tại phòng khám, không phải di chuyển khắp nơi nộp tiền. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu, quay lại phòng khám, các bác sĩ đã có thể đọc kết quả trên máy, nhờ vậy giảm thiểu thời gian di chuyển và thất lạc giấy tờ" - bà Thanh nói.

Ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người nhà bệnh nhân có thể theo dõi tình trạng người thân trên màn hình đặt tại phòng bệnh, trong khi các bác sĩ có thể xem được kết quả của chụp chiếu qua hệ thống. Ảnh: NGỌC DUNG

Ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), người nhà bệnh nhân có thể theo dõi tình trạng người thân trên màn hình đặt tại phòng bệnh, trong khi các bác sĩ có thể xem được kết quả của chụp chiếu qua hệ thống. Ảnh: NGỌC DUNG

Chăm người nhà điều trị nội trú tại Trung tâm Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai, chị Vũ Bình Phương (ngụ Hà Nội) cũng rất hài lòng khi trải nghiệm bệnh án điện tử. Mọi thủ tục cũng như các chỉ định, phác đồ điều trị, kết quả xét nghiệm, đơn thuốc chị đều có thể xác nhận và xem trên máy tính bảng lớn ngay tại giường bệnh hoặc điện thoại cá nhân thông qua mã QR. Sau 1 tuần điều trị, khi người thân được xuất viện, thủ tục duy nhất chị phải thực hiện là ký tên vào giấy nộp tiền.

Tiết kiệm hàng chục tỉ đồng

Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trực thuộc Bộ Y tế triển khai thành công bệnh án điện tử và chính thức thực hiện khám chữa bệnh toàn trình không dùng giấy tờ từ ngày 15-11-2024. PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định bệnh án điện tử và chuyển đổi số trong y tế mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người bệnh và cán bộ y tế. Trước hết là rút ngắn thời gian cho các thủ tục hành chính. Các chỉ định đều được làm trên phần mềm. Sau khi kết thúc lệnh, các khoa, phòng liên quan sẽ nhận được thông tin, người bệnh chỉ cần di chuyển đến những vị trí theo chỉ định để được triển khai. Kết quả trả về cho trung tâm hay khoa điều trị cũng rất nhanh, thậm chí trước cả khi bệnh nhân quay lại phòng khám. Với những ca bệnh khó, các bác sĩ có thể lập tức thảo luận, hội chẩn liên khoa, kịp thời xử trí các tình huống bệnh lý chạy đua với thời gian.

Ngoài ra, bệnh án điện tử giúp giảm thiểu sai sót do ghi chép bằng tay, đồng thời cho phép truy cập nhanh chóng và đầy đủ thông tin bệnh sử của bệnh nhân. Điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân cấp cứu cần "chạy đua với thời gian" hoặc đánh giá, theo dõi các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần điều trị lâu dài.

Chưa kể, việc không cần in giấy tờ và phim chụp đã giúp tiết kiệm chi phí cho cả bệnh viện và người bệnh. "Mỗi năm chúng tôi tiêu tốn 70 tỉ đồng cho việc in phim chụp chiếu, khoảng 3 tỉ đồng tiền mua mực, 4-5 tỉ đồng tiền mua giấy để in các loại giấy tờ chỉ định. Khi áp dụng bệnh án điện tử, không cần in giấy tờ và phim chụp, bệnh viện có thể tiết kiệm được gần 80 tỉ đồng mỗi năm cho ngân sách y tế. Đó là chưa kể việc áp dụng hồ sơ bệnh án điện tử còn cho phép hệ thống liên thông kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở y tế, giảm thiểu việc yêu cầu bệnh nhân làm lại các xét nghiệm không cần thiết" - ông Cơ thông tin.

Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố là một trong số các bệnh viện tại TP HCM đã được Bộ Y tế hoàn tất việc thẩm định hồ sơ bệnh án điện tử. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố, cho biết việc chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử không chỉ giúp cải thiện quy trình làm việc của bác sĩ mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bệnh nhân.

Với khả năng liên thông và tích hợp thông tin giữa các cơ sở y tế, bác sĩ Tiến nhận định bệnh án điện tử không chỉ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà còn tạo ra một hệ thống chăm sóc sức khỏe thông minh, đồng bộ và hiệu quả hơn.

"Bệnh viện cũng tiết kiệm được khoảng 2 tỉ đồng chi phí văn phòng phẩm khi triển khai bệnh án điện tử" - bác sĩ Tiến nói.

Triển khai còn chậm

PGS-TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế, cho biết theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46 ngày 28-12-2018 của Bộ Y tế quy định về hồ sơ bệnh án điện tử thì đến hết năm 2023, phải có 135 bệnh viện hạng I trên toàn quốc và khuyến khích các cơ sở khám chữa bệnh khác triển khai thành công bệnh án điện tử. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng bệnh viện triển khai bệnh án điện tử trên cả nước còn rất chậm.

Hiện cả nước có hơn 1.800 bệnh viện công lập và tư nhân. Nhưng tính đến cuối năm 2024, chỉ có khoảng 122 bệnh viện công bố triển khai bệnh án điện tử. Tỉ lệ triển khai bệnh án điện tử của các bệnh viện hạng I trên toàn quốc mới chiếm khoảng hơn 20%.

Điển hình như ở TP HCM, tính đến năm 2024, có 44/55 bệnh viện xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử EMR (đạt 80%). Tuy nhiên, chỉ 4 bệnh viện đã có bệnh án điện tử được Bộ Y tế thẩm định (có 2 bệnh viện đã công bố là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố). Đặc biệt, có đến 51 bệnh viện chưa đủ điều kiện thẩm định bệnh án điện tử, chiếm tỉ lệ 92,7%.

Nguyên nhân chậm triển khai bệnh án điện tử, theo PGS Trần Quý Tường, do giám đốc các bệnh viện chưa quyết liệt, còn trông chờ sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên. Ngoài ra, do chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng.

PGS Tường cho biết Hội Tin học Y tế đã có khuyến nghị gửi Bộ Y tế về các giải pháp đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử. Trong đó, đề nghị quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa đến công tác chuyển đổi số y tế nói chung và triển khai EMR nói riêng. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu chuyên môn hướng dẫn về chuyển đổi số y tế và EMR. Cụ thể là quy định về định mức chi phí chi trả triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS); giá dịch vụ khám chữa bệnh có chi phí công nghệ thông tin…

Đặc biệt, Hội Tin học Y tế đề nghị Bộ Y tế cần có chế tài đối với các đơn vị, địa phương không thực hiện triển khai EMR theo quy định và đưa ứng dụng bệnh án điện tử vào bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện.

Nhiệm vụ trọng tâm của ngành

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã góp phần rất quan trọng tạo nên những thay đổi to lớn trong các hoạt động của xã hội nói chung, trong lĩnh vực y tế nói riêng. Thời gian qua, Bộ Y tế và các bệnh viện đã quyết tâm, nỗ lực rất lớn để triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Y tế cho rằng so với tổng số cơ sở y tế thì con số này vẫn còn rất khiêm tốn. Vì vậy, thời gian tới, triển khai bệnh án điện tử tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành.

Các bác sĩ cho rằng dữ liệu của bệnh án điện tử là nguồn tài nguyên quý giá cho các nghiên cứu y học, giúp phát triển các phương pháp điều trị mới và hiệu quả. Chuyển đổi số cũng tạo điều kiện cho việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) trong y tế, mang lại những đột phá trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

NGỌC DUNG - HẢI YẾN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-toc-trien-khai-benh-an-dien-tu-196250207205904662.htm
Zalo