Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công dịp cuối năm

Mặc dù đến giữa tháng 12, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công (VĐTC) của tỉnh vẫn ở mức thấp hơn mức trung bình của cả nước và đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố. Song, với quyết tâm cao đạt mục tiêu giải ngân VĐTC năm 2024 ở mức trên 95% kế hoạch (KH) theo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh đã và đang đề ra hàng loạt giải pháp 'thúc' các sở, ban, ngành, địa phương tăng tốc giải ngân dịp cuối năm, nhất là đối với các dự án được giao vốn lớn. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), thi công; tập trung tháo gỡ những khó khăn về đất đai, tài nguyên; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán theo đúng quy định…

Năm 2024, tỉnh được giao tổng VĐTC 6.152 tỷ 941 triệu đồng, gồm: vốn KH năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 1.392 tỷ 993 triệu đồng; vốn KH năm 2024 là 4.759 tỷ 948 triệu đồng. Trong đó, hơn 52,4 tỷ đồng được giao muộn cho các chủ đầu tư vào tháng 12 tại Quyết định số 120/QĐ-UBND, ngày 2/12/2024 về việc giao KH vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023, Quyết định số 1683/QĐ-UBND, ngày 5/12/2024 giao chi tiết KH đầu tư công năm 2024 nguồn tăng thu ngân sách địa phương.

Đến ngày 10/12/2024, toàn tỉnh giải ngân 2.882 tỷ 440 triệu đồng/6.152 tỷ 941 triệu đồng, đạt 46,8% KH. Trong đó, KH vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 giải ngân 648 tỷ 669 triệu đồng/1.392 tỷ 993 triệu đồng, đạt 46,6% KH; KH VĐTC năm 2024 giải ngân 2.233 tỷ 771 triệu đồng/4.759 tỷ 948 triệu đồng, đạt 46,9% KH. Qua theo dõi, đánh giá, 13/32 chủ đầu tư là các sở, ban, ngành, huyện, Thành phố có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của tỉnh, 20/32 đơn vị tư có mức giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ thực hiện và giải ngân VĐTC năm 2024 theo từng nguồn vốn, chương trình, dự án của một số ngành, địa phương đạt thấp do các dự án trọng điểm có nguồn vốn lớn, thuộc lĩnh vực giao thông không thi công được các hạng mục xây lắp theo tiến độ đề ra nên không có khối lượng lập hồ sơ thanh toán, dẫn đến giải ngân chậm hoặc chưa đủ điều kiện giải ngân. Một số dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, khan hiếm nguồn vật liệu; một số chủ đầu tư chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoàn thiện thủ tục, triển khai thi công, chưa phối hợp chặt chẽ với nhà thầu đẩy nhanh công tác quyết toán; chưa đưa ra các biện pháp xử lý kịp thời các gói thầu không đảm bảo cam kết, tiến độ; việc xử lý các trường hợp chậm trễ trong thực hiện thủ tục đầu tư, thi công dự án chưa kịp thời. Năng lực quản lý, điều hành của một số chủ đầu tư còn hạn chế, chưa sát sao công việc, chưa quyết liệt trong chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, chưa kịp thời báo cáo khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Một số chủ đầu tư chưa chủ động lập hồ sơ, chứng từ thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước ngay khi có khối lượng, công việc hoàn thành còn để dồn vào thời điểm cuối quý, cuối năm.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều công trình, dự án thuộc KH vốn năm 2024 vẫn trong quá trình chuẩn bị đầu tư và mới thi công. Việc thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, xây dựng, đất đai, tài nguyên và môi trường một số dự án chậm. Có dự án phải chờ điều chỉnh, bổ sung, cập nhật vào quy hoạch, KH sử dụng đất. Một số dự án chưa nhận được sự đồng thuận của người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đồng bộ, nhất là các văn bản hướng dẫn thực hiện vốn sự nghiệp; một số nội dung văn bản khó thực hiện, chưa phân cấp triệt để cho địa phương…

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ lu lèn nền đường, đổ lớp móng cấp phối đường tránh Thành phố.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ lu lèn nền đường, đổ lớp móng cấp phối đường tránh Thành phố.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Hoàng Đức Thọ cho biết: Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư (PPP) lần đầu tiên triển khai thực hiện nên Ban cần có thời gian nghiên cứu, thống nhất các nội dung về cấp vốn và giải ngân với nhiều sở, ngành liên quan. Đặc biệt, Dự án đi qua 2 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn nhưng giao cho tỉnh Cao Bằng làm cơ quan có thẩm quyền nên việc chuyển ngân sách từ tỉnh Cao Bằng sang tỉnh Lạng Sơn để thực hiện công tác GPMB mất nhiều thời gian do phải thống nhất giữa các cơ quan liên quan của 2 tỉnh. Trong khi KH vốn giao năm 2024 cho dự án (bao gồm vốn năm 2023 kéo dài giải ngân sang năm 2024) hơn 1.934,2 tỷ đồng (chiếm 89,8% tổng số vốn được giao của Ban), vượt quá khả năng thực hiện vì trong năm dự án chủ yếu chỉ thực hiện công tác GPMB và thực hiện các bước thiết kế, khối lượng hoàn thành công tác xây lắp nhỏ nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp, kết quả mới chỉ giải ngân hơn 773,2/1.934,2 tỷ đồng, bằng 40% KH.

Nhằm tạo sự đột phá về giải ngân VĐTC năm 2024 trong giai đoạn nước rút hiện nay, UBND tỉnh đã và đang ráo riết đề ra hàng loạt giải pháp “thúc” các chủ đầu tư tăng tốc giải ngân dịp cuối năm, nhất là đối với các dự án được giao vốn lớn. Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, Thành phố thực hiện quyết liệt và có hiệu quả Công điện số 115/CĐ-TTg, ngày 7/11/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh VĐTC những tháng cuối năm 2024. Đề nghị các cấp, ngành chức năng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, định giá đất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đẩy mạnh nguồn thu tiền sử dụng đất để đảm bảo nguồn vốn bố trí cho các dự án theo KH được duyệt. Kịp thời điều chỉnh KH VĐTC giữa các dự án trong từng nguồn vốn nhằm tập trung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân, cần đẩy nhanh tiến độ. Nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc trong triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.

Tăng cường tần suất kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại, bất cập; người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân VĐTC. Thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, nhất là vốn phân cấp các huyện, Thành phố. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân VĐTC; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định. Chỉ đạo nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng cường nhân công, vật tư, máy móc thiết bị, tăng ca đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành dứt điểm các hạng mục công trình. Đối với các dự án, địa bàn bị ảnh hưởng bởi mưa lũ sau bão số 3 khẩn trương khắc phục khó khăn, triển khai các giải pháp tổ chức thi công phù hợp.

Đối với các dự án mới, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư. Các cơ quan, đơn vị được giao lập chủ trương đầu tư, lập dự án chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện nghiêm túc công tác khảo sát, thiết kế, xác định thủ tục GPMB, phương án tái định cư ngay trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Bám sát quy trình thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn kịp thời giải trình, hoàn thiện hồ sơ theo quy định, chuẩn bị điều kiện tốt nhất để triển khai KH đầu tư công năm 2025.

Với quan điểm chỉ đạo, điều hành, thực hiện “5 quyết tâm”, “5 đảm bảo” trong tổ chức thực hiện và phương châm “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “thi công 3 ca, 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đẩy mạnh giải ngân VĐTC, tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu giải ngân KH vốn năm 2024 và các năm trước chuyển sang ở mức cao nhất, đặc biệt là vốn từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các dự án trọng điểm của tỉnh.

Thái Hà

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-dip-cuoi-nam-3174382.html
Zalo