Tăng tốc đưa các luật mới về bất động sản vào cuộc sống
Theo các chuyên gia, những điểm mới của Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2023, Luật Đất đai 2024 đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững. Tuy nhiên, cần khẩn trương đẩy nhanh tiến độ ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực thi luật để đưa các chính sách mới đi vào thực tiễn cuộc sống.
Thị trường bất động sản có nhiều chuyển biến tích cực
Thông tin về “chuyển động” của thị trường BĐS trong quý III/2024, Bộ Xây dựng cho biết, thị trường BĐS đã có những chuyển biến tích cực, số lượng dự án và lượng giao dịch nhà ở có chiều hướng tăng so với quý trước.
Cụ thể, về nguồn cung, đối với phân khúc nhà ở thương mại, trong quý III, trên địa bàn cả nước có 16 dự án đã hoàn thành (quy mô khoảng 3.314 căn), bằng 177,7% so với quý II/2024 và bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượng dự án được cấp phép mới là 23 dự án (quy mô khoảng 11.669 căn), bằng 121% so với quý II/2024 và bằng 153,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai là 55 dự án (quy mô khoảng 21.374 căn), bằng 110% với quý II/2024 và bằng 117% so với cùng kỳ năm 2023.
Số lượng dự án đang triển khai xây dựng là 939 dự án (quy mô khoảng 426.158 căn).
Về phân khúc nhà ở xã hội, trên địa bàn cả nước có 8 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai xây dựng với quy mô khoảng 4.960 căn.
Về lượng giao dịch, trong quý III, lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ có 38.398 giao dịch thành công, bằng 148,3% so với quý II/2024 và bằng 129% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng giao dịch đất nền có 102.966 giao dịch thành công, bằng 82,3% so với quý II/2024 và bằng 112,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Về mặt bằng giá, đối với căn hộ chung cư, trong quý III, giá căn hộ chung cư tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng ở cả dự án mới và cũ, trong đó mặt bằng giá dự án mới đã tăng khoảng 4% - 6% theo quý và 22% - 25% theo năm.
Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân tăng giá BĐS trong thời gian qua một phần lớn do tác động bởi các yếu tố như việc biến động tăng đối với chi phí liên quan đến đất đai, đặc biệt tại một số địa phương; sản phẩm nhà ở giá bình dân không đủ nguồn cung cho nhu cầu của thị trường. Theo đó, đã kéo giá bán chung cư tăng lên, đặc biệt có một số khu vực tăng cục bộ lên khoảng 35% - 40% tùy từng vị trí so với quý trước.
Đối với biệt thự, nhà ở liền kề trong dự án, tại Hà Nội, giá bán biệt thự, nhà liền kề có xu hướng tiếp tục tăng so với quý trước, với mức giá bán trung bình thứ cấp trong quý đạt khoảng 160 triệu đồng/m2 (tăng 3% theo quý và gần 7% theo năm).
Tại TP. Hồ Chí Minh, giá sơ cấp trung bình của phân khúc biệt thự, nhà liền kề gần như ổn định và có một số khu vực giá giảm mạnh ở những dự án cao cấp, diện tích rộng (giảm khoảng 14% theo quý và 28% theo năm), theo đó các sản phẩm có giá dưới 10 tỷ đồng có giao dịch khá tốt trong quý. Nguyên nhân được cho là do các dự án mới ở khu vực ngoại thành có giá thấp hơn trung bình toàn Thành phố, điều này cho thấy nhu cầu đối với các sản phẩm có giá tốt vẫn giao dịch mạnh, mặc dù nằm ở khu vực ngoại thành và xa trung tâm Thành phố.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, lượng tồn kho BĐS tại các dự án trong quý III/2024 vào khoảng 25.937 căn, nền (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền); trong đó, chung cư có 4.688 căn, nhà ở riêng lẻ có 12.250 căn, đất nền có 8.999 nền.
Những chuyển biến tích cực của thị trường BĐS được Bộ Xây dựng đánh giá là do sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, cùng sự nỗ lực vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn hiện hữu cho các doanh nghiệp, dự án BĐS. Đặc biệt, từ ngày 01/8, các bộ luật Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023, Luật Đất đai 2024 chính thức đi vào thực thi, đã khơi thông nhiều điểm nghẽn, vướng mắc về thể chế, quy định pháp luật…, nhờ đó, thị trường đã cơ bản ổn định và dần phục hồi.
Đẩy mạnh ban hành văn bản hướng dẫn thực thi luật
Theo các chuyên gia, ngay sau khi các Luật có hiệu lực thi hành, có thể thấy hiện nay, cả hệ thống, từ các cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp BĐS đều đang “chạy đua” với các chương trình phổ biến, tuyên truyền kiến thức pháp luật mới. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nắm vững và áp dụng đúng các quy định mới của các doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả cơ quan quản lý…
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam chia sẻ, qua tiếp xúc với các địa phương, Hiệp hội nhận thấy nhiều địa phương còn bỡ ngỡ trong việc thực thi pháp luật, nên tỷ lệ công việc được xử lý còn khá hạn chế. Ví dụ như, đối với các dự án đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều địa phương phản ánh là phải đền bù 100% mới được giải phóng mặt bằng nhưng điều này rất khó khiến nhiều dự án bị cản trở. Ngoài ra, còn có các vấn đề khác như đấu giá, đấu thầu, tính tiền sử dụng đất…
“Vì vậy, tôi mong rằng thời gian tới, các quy định mới của các Luật sẽ được phổ biến kỹ lưỡng và có những hướng dẫn cụ thể để nhanh chóng được áp dụng triển khai” - ông Đính nói.
Nêu thêm dẫn chứng về những vướng mắc trong thực tế triển khai luật tại địa phương, đại diện Hiệp hội BĐS Bắc Giang chỉ rõ, tại Khoản 4 Điều 116 Luật Đất đai 2024 về căn cứ giao đất cho thuê đất, cho phép sử dụng đất có nêu: “Trường hợp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có phân kỳ tiến độ hoặc việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo tiến độ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất quyết định việc giao đất, cho thuê đất theo tiến độ của dự án đầu tư, tiến độ thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Đây là quy định mới của Luật, tuy nhiên, các cơ quan quản lý ở địa phương không thống nhất cách hiểu và không hiểu rõ việc thu hồi giao đất theo tiến độ là như thế nào?...
Trước thực trạng nhiều địa phương còn bỡ ngỡ trong việc thực thi, cũng như chậm trễ trong việc ban hành các văn bản dưới luật, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh BĐS 2023 mới diễn ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực trước 5 tháng là yêu cầu từ thực tiễn, hết sức cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai các cơ chế, chính sách mới, tạo thuận lợi hơn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, các đoàn đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân các địa phương.
Cùng với các văn bản quy định chi tiết thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, thì các Luật đã giao trực tiếp một số nội dung cho địa phương xây dựng và ban hành đồng thời.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tính đến ngày 07/10/2024, chưa có địa phương nào ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Một số địa phương chưa ban hành văn bản nào để triển khai thực hiện.
Cũng theo lãnh đạo Chính phủ, quá trình xây dựng các nghị định, thông tư ở Trung ương đã có sự tham gia của các địa phương để nắm bắt được các nội dung cần ban hành văn bản hướng dẫn. Vì vậy, các địa phương cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các quy định theo thẩm quyền; mức độ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, việc huy động nguồn lực đất đai, vận hành của thị trường BĐS; việc thực hiện cơ chế, chính sách về nhà ở... Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, vướng mắc đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tháo gỡ, giải quyết.
“Các Bộ, ngành, cơ quan phải có trách nhiệm chung tay hướng dẫn các địa phương tháo gỡ, giải quyết. Mục tiêu cuối cùng là tăng tốc để hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, để đáp ứng yêu cầu hết sức cấp bách trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững” - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh./.