Tăng tốc đầu tư công để khơi thông tăng trưởng năm 2025
Đầu tư công được xem là mũi nhọn giúp khơi thông tăng trưởng trong năm nay, hỗ trợ cho kịch bản thương mại quốc tế suy giảm và tiêu dùng nội địa bị ảnh hưởng theo.
![Tuyến metro số 1 TPHCM đi vào hoạt động cuối năm 2024 là một bước tiến quan trọng trong đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng. Ảnh: Huy Trần](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_112_51422228/dd2a46b27ffc96a2cfed.jpg)
Tuyến metro số 1 TPHCM đi vào hoạt động cuối năm 2024 là một bước tiến quan trọng trong đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng. Ảnh: Huy Trần
Động lực tăng trưởng của 2025
Cuối năm 2024, nhiều cổ phiếu được cho là hưởng lợi từ hoạt động đầu tư công có dấu hiệu cho thấy dòng tiền đi vào, báo hiệu sự kỳ vọng của thị trường vào những chuyển biến mới của dòng tiền đầu tư vào nền kinh tế.
Dòng tiền xoay chuyển trong kỳ vọng về câu chuyện của đường sắt cao tốc Bắc – Nam, với tính toán có thể đóng góp khoảng 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm trong giai đoạn 2025-2037, theo Tổng cục Thống kê và Bộ giao thông Vận tải.
Thống kê của Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho thấy trong năm 2024, hoạt động đầu tư (cả nhà nước và tư nhân) chiếm tỷ trọng gần 31% trong GDP, còn hơn 52% đến từ chi tiêu nội địa.
Xuất khẩu trong năm ngoái là nhân tố bất ngờ giúp tăng trưởng GDP cao, nhưng tăng trưởng năm nay sẽ phụ thuộc vào câu chuyện đầu tư công và tiêu dùng nội địa. Trong đó đầu tư công còn có vai trò sẽ dẫn dắt khu vực tư nhân tham gia mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế.
“Năm 2025 sẽ có những đột phá về đầu tư công, đặc biệt là nửa cuối năm 2025, qua đó khơi thông dòng vốn đầu tư tư nhân vốn bị chững lại trong 3 năm qua”, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Đầu tư của quỹ Dragon Capital, chia sẻ tại hội nghị nhà đầu tư hồi đầu năm.
Mục tiêu thúc đẩy đầu tư công được Chính phủ đặt cùng với tham vọng tăng trưởng kinh tế lớn hơn 8% trong năm 2025, tạo bước đà cho mức “hai chữ số” trong giai đoạn 2026-2030. “Yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP này phần lớn sẽ đến từ các hoạt động giải ngân đầu tư công đầy tham vọng”, báo cáo về hoạt động đầu tư công năm 2024 của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu.
Nói riêng về TPHCM, nhóm phân tích trường Đại học UEH và Cục thống kê TPHCM cho rằng, tiêu dùng của người dân có xu hướng phục hồi không chắc chắn nếu nhìn vào tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Khuyến nghị đưa ra là thành phố cần phải tập trung nguồn lực để nhanh chóng hoàn thành các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm.
“Tốc độ giải quyết thách thức về cơ sở hạ tầng sẽ góp phần quyết định tốc độ tăng trưởng của thành phố trong năm 2025 và đóng vai trò then chốt trong việc quyết định tốc độ tăng trưởng trong kỷ nguyên tiếp theo”, báo cáo của UEH nhấn mạnh.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_112_51422228/898a14122d5cc4029d4d.jpg)
Cơ hội nào để kích hoạt?
Hầu hết các chuyên gia đều kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, cũng là năm cuối cùng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025. Dự kiến chi cho đầu tư phát triển đạt hơn 790.000 tỉ đồng, tương ứng khoảng 30,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, vấn đề của đầu tư công nhiều năm qua là tiến độ giải ngân và thi công chậm chạp. Báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2024 nhận định vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt thấp, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2024.
Theo đó, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách năm 2024 ước đạt 661.300 tỉ đồng, bằng 84,6% kế hoạch năm và tăng 3,3% so với năm trước, thấp hơn nhiều các năm kể từ năm 2016 đến nay (riêng năm 2021 giảm 7,1% do ảnh hưởng của dịch Covid-19).
Theo nhóm phân tích Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, lý do chậm trong năm ngoái là vì chi phí giải phóng mặt bằng tăng và phải tạm dừng một số dự án để điều chỉnh do Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực, chờ triển khai nhiều luật mới có hiệu lực từ năm 2025, cũng như chờ quy hoạch chính thức của địa phương. Ngoài ra một lý do được nhắc đến nhiều là việc thiếu nguyên vật liệu xây dựng.
Dù tổng mức giải ngân đầu tư công 2024 là khá thấp, nhóm phân tích đánh giá triển vọng dài hạn lại sáng hơn do các nút thắt đã được giải quyết. “Các điều kiện hội tụ cho một năm 2025 đẩy mạnh đầu tư công”, báo cáo nhấn mạnh.
Điều kiện cần đầu tiên là có tiền, nay có thuận lợi khi ngân sách Nhà nước chuyển trạng thái từ bội chi nhiều năm sang bội thu. Lần đầu tiên thu ngân sách nhà nước đạt được trên 2 triệu tỉ đồng, vượt dự toán quốc hội giao là trên 19%. Bên cạnh đó chỉ số nợ công và nợ chính phủ vẫn nằm ở ngưỡng an toàn.
“Chúng ta có dư địa lớn lớn hơn trong năm 2025 và giai đoạn tiếp theo để tăng nguồn lực đầu tư công làm vốn mồi, đầu tư cho cơ sở hạ tầng quan trọng của nền kinh tế, tạo điều kiện cho đầu tư tư nhân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có bước phát triển tiếp theo”, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ Trưởng Bộ Tài chính, chia sẻ tại sự kiện ở Sở giao dịch chứng khoán TPHCM mới đây.
Một thuận lợi khác là hàng loạt luật mới có hiệu lực từ tháng 1-2025, như Luật đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Quy hoạch, Luật Đấu thầu. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự thay đổi chủ yếu nhằm đơn giản hóa các quy định đối với quy hoạch và dự án công, trao thẩm quyền nhiều hơn cho địa phương.
Điều này được kỳ vọng giúp các dự án công đẩy nhanh tiến độ, gỡ vướng pháp lý. Tuy nhiên cũng có rủi ro khi "chuyển tiền" từ kho bạc nhà nước vào nền kinh tế.
Trong buổi chia sẻ hồi giữa tháng 1, bà Nguyễn Hoài Thu, Tổng Giám đốc Khối đầu tư chứng khoán, VinaCapital, đánh giá năm 2025 sẽ có những rủi ro như việc xuất khẩu sang Mỹ dự kiến không mạnh mẽ hay khách quốc tế du lịch đến Việt Nam cũng sẽ chậm lại sau giai đoạn bùng nổ. Đầu tư công dù được dự báo tăng cao hơn năm 2024 nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của hoạt động kinh tế trên.
Do đó, thị trường trong nước không chỉ có mỗi đầu tư công mà còn phải đẩy nhanh quá trình phục hồi của thị trường bất động sản, đi cùng chính sách kích cầu tiêu dùng trong nước. “Năm nay có nhiều lý do kỳ vọng tiêu dùng nội địa quay trở lại”, bà Thu nói.
Triển khai nhiều dự án giai đoạn 2025-2030
Năm 2024 có nhiều điểm sáng trong hoạt động đầu tư công. Chẳng hạn như TPHCM đưa vào khai thác tuyến metro đầu tiên của thành phố; dự án sân bay Long Thành, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đẩy nhanh tiến độ thi công; các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam đã giải ngân khoảng 79% kế hoạch được giao; khánh thành dự án đường dây 500 kV mạch 3; thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam, tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân.
Năm 2025 cũng là điểm rơi của nhiều dự án quan trọng, chẳng hạn như dự kiến hoàn thành 3.000 km cao tốc Bắc - Nam; kích hoạt nhiều dự án mới như dự án tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây với tổng chiều dài trên 1.200 km qua 23 tỉnh, thành phố.
Đến năm 2030, dự kiến cả nước có trên 5.000 km đường cao tốc. Tổng mức đầu tư lĩnh vực đường sắt vào khoảng 151 tỉ đô la, bao gồm cả đường sắt đô thị; đường thủy nội địa khoảng 11 tỉ đô la, lĩnh vực hảng hải khoảng 4 tỉ đô la.