Tăng tốc đào tạo nghề, kết nối thị trường lao động
Năm 2025, tỉnh Tây Ninh đặt mục tiêu tuyển sinh và đào tạo nghề cho hơn 26.000 người, đồng thời thu hút ít nhất 25% học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học giáo dục nghề nghiệp. Đây là bước đi chiến lược nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Các học viên học nghề tại Trường Cao đẳng nghề Tây Ninh
Mở rộng chính sách hỗ trợ học nghề
Theo kế hoạch triển khai công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2025 do Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh xây dựng, tỉnh phấn đấu tuyển sinh, đào tạo cho 2.092 người trình độ cao đẳng, 4.965 trung cấp và 19.143 người ở bậc sơ cấp hoặc chương trình dưới 3 tháng. Cùng với đó, tỉnh quyết tâm thực hiện có hiệu quả việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp phổ thông vào học nghề, qua đó từng bước thay đổi nhận thức xã hội về học nghề - làm nghề. Kế hoạch cũng xác định rõ giáo dục nghề nghiệp không chỉ là giải pháp phát triển kỹ năng, mà còn là động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Một trong những điểm nhấn của năm 2025 là tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến người dân, phụ huynh, học sinh và doanh nghiệp. Tỉnh sẽ triển khai nhiều kênh tuyên truyền: từ hệ thống cổng thông tin điện tử, website ngành giáo dục đến báo chí, mạng xã hội. Các chuyên mục, tin - bài, phóng sự về giáo dục nghề nghiệp sẽ được xây dựng phù hợp với từng nhóm đối tượng để lan tỏa hình ảnh tích cực về nghề nghiệp và kỹ năng lao động. Những chương trình như: Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, Tuần lễ Kỹ năng nghề quốc gia sẽ được tổ chức với quy mô, hình thức phong phú, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Để khuyến khích học sinh lựa chọn giáo dục nghề nghiệp, tỉnh duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ thiết thực: miễn 100% học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp, hỗ trợ tín dụng cho học sinh, sinh viên, học bổng học nghề, nội trú cho người học vùng khó khăn, liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, đại học… Tỉnh sẽ tổ chức hội nghị cấp tỉnh về hướng nghiệp, phân luồng; tư vấn tuyển sinh trực tiếp cho học sinh lớp 9 và 12, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm thực tế tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Qua đó, giúp học sinh, phụ huynh nhận thức rõ hơn vai trò, giá trị của giáo dục nghề nghiệp đối với việc làm và tương lai lập nghiệp.
Kết nối doanh nghiệp, nâng tầm đào tạo
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đẩy mạnh phối hợp với doanh nghiệp trong đào tạo theo địa chỉ sử dụng, đặt hàng đào tạo theo nhu cầu, đảm bảo học xong có việc làm ngay. Công tác chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp cũng được triển khai quyết liệt, giúp hiện đại hóa nội dung và phương pháp dạy- học.
Tỉnh sẽ tổ chức kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đổi mới chương trình, giáo trình, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, đồng thời tham gia tích cực các hội thi tay nghề cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng cho người bị thu hồi đất, người chấp hành xong án phạt tù, lao động nông thôn, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự… góp phần tạo sinh kế bền vững cho người yếu thế.
Với tinh thần đổi mới toàn diện và quyết tâm cao từ các cấp, ngành, tỉnh đang từng bước xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, linh hoạt, gắn đào tạo với thực tiễn thị trường lao động, sẵn sàng thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo dục nghề nghiệp không chỉ là lối đi thứ hai, mà đang trở thành lối đi vững chắc cho nhiều bạn trẻ lựa chọn lập thân, lập nghiệp, góp phần xây dựng Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.