Tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số
Thủ tướng Chính phủ vừa có kết luận về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác chuyển đổi số năm 2025.
Với chủ đề: “Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”, Thủ tướng yêu cầu phát động phong trào thi đua toàn quốc về phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số, đưa công nghệ số lan tỏa đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên 8% năm 2025 và ở mức hai con số trong những năm tiếp theo.
Tinh thần triển khai gắn với 5 “tăng tốc, bứt phá”: Tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số; tăng tốc, bứt phá trong số hóa các ngành kinh tế; tăng tốc, bứt phá trong phát triển hạ tầng số; tăng tốc, bứt phá trong phát triển nhân lực số; tăng tốc, bứt phá trong phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu gương đi đầu, tiên phong trong nhận thức, đổi mới tư duy, phương pháp luận về chuyển đổi số. Đồng thời, khẩn trương ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị trong tháng 02-2025, đảm bảo “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” để đánh giá, đo lường, kiểm tra, giám sát; Hoàn thành xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là cơ sở dữ liệu về đất đai; nghiên cứu, xây dựng đề án ứng dụng internet vạn vật (IoT) trong một số ngành, lĩnh vực, như: sản xuất, thương mại, năng lượng, nông nghiệp thông minh, giao thông thông minh, y tế thông minh...
Chuyển đổi số phải gắn kết chặt chẽ với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; chuyển trạng thái từ “xin - cho” sang trạng thái “chủ động” phục vụ, cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển đổi số phải toàn dân, toàn diện, toàn trình, ở tất cả các cấp, các ngành, phù hợp xu thế thế giới và đáp ứng yêu cầu của nhân dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể. Đến ngày 30-6, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc.
Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu để phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình, phát triển của dân tộc Việt Nam.