Tăng tốc, bứt phá để vững vàng trong kỷ nguyên mới
Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hà Nam dự kiến đạt 10,93%, nằm trong tốp 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung đánh giá toàn diện, khách quan những kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế và 'hiến kế' để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Hà Nam bước đi vững vàng trong kỷ nguyên mới.
Phấn đấu thu ngân sách đạt trên 25.000 tỷ đồng
Thảo luận tại kỳ họp, đa số các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam đánh giá cao các kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Điển hình là hoàn thành 16/16 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội, trong đó có 8 chỉ tiêu hoàn thành vượt mức kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 10,93%, đứng thứ 2 khu vực đồng bằng sông Hồng và nằm trong tốp 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 17.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 111 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,65%. Đặc biệt, Hà Nam tiếp tục được tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là “Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2024; “Điểm đến văn hóa địa phương hàng đầu châu Á” và “Giải thưởng thành tựu đặc biệt 2024”.
Trên cơ sở kết quả tích cực đó, các đại biểu HĐND tỉnh cũng đồng tình với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; trong đó, mục tiêu phấn đấu thu ngân sách năm 2025 đạt trên 25.000 tỷ đồng được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Phạm Văn Tạo, hiện nay, nguồn thu từ tiền sử dụng đất vẫn rất chậm do tiến độ thực hiện các dự án chậm. Do đó, năm 2025, UBND tỉnh cần có kế hoạch điều hành thu ngân sách cụ thể để bảo đảm tiến độ, thu đúng, thu đủ. Đại biểu Phạm Văn Tạo cho rằng, cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các địa phương bám sát kế hoạch sử dụng đất hằng năm, nhanh chóng hoàn thiện xây dựng các khu dân cư, thực hiện giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Cùng với đó, chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tạo đồng thuận trong Nhân dân trong việc sớm bàn giao mặt bằng cho các dự án.
Đại biểu Đào Đình Tùng cũng cho rằng, cần có những giải pháp cụ thể bảo đảm mục tiêu thu ngân sách năm 2025. Theo đó, một số đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần tăng cường quản lý các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh qua mạng, tiền thuê đất, thu thuế thu nhập doanh nghiệp; nâng tỷ lệ quyết toán chi thường xuyên... Đặc biệt, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát toàn bộ nội dung và các ngành nghề dịch vụ, hỗ trợ để có giải pháp thúc đẩy hoạt động của các ngành dịch vụ thương mại cho phù hợp với tiềm năng phát triển, nhất là các ngành dịch vụ hỗ trợ tại Khu du lịch quốc gia Tam Chúc. Có giải pháp xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, phát huy những tiềm năng, lợi thế, nâng cao giá trị, tăng thu cho ngân sách từ lĩnh vực du lịch.
Sớm nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cán bộ dôi dư
Bên cạnh các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương. Đại biểu Lê Xuân Huy, Trần Đức Thuấn đề nghị UBND tỉnh xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2025, đòi hỏi sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; từng sở, ngành, địa phương phải thấu hiểu, chia sẻ, thống nhất cao để thực hiện vì lợi ích chung của địa phương và của cả nước.
Đồng tình với quan điểm đó, một số đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, chủ trương sáp nhập, tinh gọn bộ máy là đúng đắn, tuy nhiên, cần tính toán kỹ lưỡng phương án và các cơ chế, chính sách để tinh giản biên chế, sắp xếp cán bộ dôi dư, tránh gây bức xúc không đáng có. Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, cũng cần tính toán phương án xử lý tài sản công dôi dư sau sáp nhập làm sao bảo đảm hiệu quả, tránh tình trạng lãng phí. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cần khẩn trương sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy để chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp cũng như bảo đảm tiến độ các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động từ ngày 1.1.2025.
Tại phiên thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thủy cũng khẳng định, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quan trọng trong năm 2025 của tỉnh Hà Nam là sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã cùng với thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị và tổ chức đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030. Trên cơ sở phát biểu thảo luận của các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần khẩn trương, nghiêm túc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp lại bộ máy gắn với công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị rất cấp bách, bắt buộc phải làm. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó, vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều cá nhân, tập thể. Do đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để đả thông tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức hiểu mục đích, ý nghĩa cao cả của việc tinh gọn bộ máy để tạo sự đồng thuận. HĐND tỉnh cần sớm nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cán bộ dôi dư sau sáp nhập, tinh gọn bộ máy.