Tăng tính chủ động, cạnh tranh cho xe vận tải tuyến cố định

Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT có hiệu lực từ 1/1/2025 quy định, một DN vận tải hành khách tuyến cố định có hai chuyến xe xuất bến liền kề giờ nhau trên cùng một tuyến thì được phép xuất phát cùng lúc nếu đủ khách.

Nếu là xe của hai DN vận tải khác nhau thì không được phép. Quy định mới này được đánh giá là phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của hành khách trên thực tế, đồng thời cũng tạo sự cởi mở cho xe vận tải hành khách tuyến cố định trong bối cảnh đang bị cạnh tranh mạnh mẽ bởi “xe dù”, “xe hợp đồng trá hình”.

Tạo sự chủ động

Theo quy định hiện hành, nếu không phải cao điểm lễ, tết hay các trường hợp đặc biệt cần giải tỏa hành khách, các chuyến xe trong ngày của các DN vận tải tuyến cố định đều phải xuất bến theo đúng lốt giờ được cấp phép, bất kể chuyến xe đó đã đủ khách hay chưa.

Thực tế này nảy sinh vấn đề, có những chuyến xe của cùng một DN vận tải, dù đã bán hết vé từ sớm nhưng vì chuyến trước chưa khởi hành, nên chuyến sau vẫn phải nằm chờ xuất bến theo giờ quy định.

Hoạt động vận tải tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Hải Linh

Hoạt động vận tải tại Bến xe Nước Ngầm. Ảnh: Hải Linh

Hành khách Trần Mai Ly (quê Thanh Hóa) vừa bước xuống từ xe Đông Lý (tuyến Như Thanh - Giáp Bát) cho biết, cuối tuần chị về quê có việc gia đình, muốn tiết kiệm thời gian nên đã chọn chuyến sớm nhất ngày thứ Hai của nhà xe để quay trở lại Hà Nội.

“Dù đến sớm nhưng do quên không đặt vé trước, xe tuyến 3 giờ đã hết vé. Tôi là một trong 3 người cuối cùng có vé lên xe chuyến tiếp theo lúc 3 giờ 30. Cùng lúc này, hành khách trên xe chuyến 3 giờ 30 cũng đã đông đủ, một số người thúc giục di chuyển thì nhà xe cho biết, theo quy định xe phải xuất bến đúng giờ nên tất cả đành chờ thêm. Sáng nay tôi phải xin đi làm muộn 1 giờ do lỡ lịch trình” - chị Trần Mai Ly nói.

Phụ xe trần tình, xe cũng rất muốn chạy sớm nhưng không dám vì sợ bị phạt, mà không chạy thì khách kêu. Nhiều khách lên xe rồi còn xuống để bỏ ra ngoài đường bắt “xe dù” vì xe chưa đi ngay. Hôm nay, trên xe có trường hợp một bác lớn tuổi đi Hà Nội khám bệnh đã xuống xe để ra ngoài bắt xe khác vì muốn ra Hà Nội kịp giờ, nhà xe cũng đành thông cảm cho khách.

Thực tế này không chỉ tại các phòng vé của nhà xe tại địa phương mà tại các bến xe cũng ghi nhận tình trạng một bộ phận hành khách khi đến mua vé thấy xe không chạy luôn đã ra ngoài để bắt xe dù, xe hợp đồng tuyến trá hình đi cho kịp giờ, kịp công việc theo lịch.

Chị Trần Ánh Dương (quận Thanh Xuân) là người trẻ rất hay đi du lịch cũng cho biết, cuối tuần muốn thư giãn thường rủ bạn bè xách balo lên đi khám phá các tỉnh miền núi phía Bắc.

Tôi thường phải gọi điện đến nhà xe đặt chỗ trước vì các xe đi đến các điểm du lịch như Sapa, Lai Châu, Hà Giang… mùa này chuyến đêm muộn và chuyến sớm đầu ngày rất đông khách. Nếu có vé đúng giờ mong muốn thì tôi mới đi không thì sẽ chủ động rủ bạn bè thuê xe ghép để tránh việc ra bến phải chờ đợi trong khi thời gian không có nhiều, cần tính toán lịch trình di chuyển phù hợp.

Có thể thấy, quy định hiện hành rất chặt chẽ với xe tuyến cố định, nhưng vì thế cũng khiến tính chủ động của cả DN và hành khách trong chuyến đi ít nhiều bị ảnh hưởng.

Để tháo gỡ bất cập này, mới đây, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và hoạt động của bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, có hiệu lực từ 1/1/2025, trong đó có quy định: trong cùng một thời điểm, mỗi xe được đăng ký và khai thác tối đa 2 tuyến vận tải hành khách cố định khác nhau, 2 tuyến có thể xuất phát/kết thúc từ 4 bến xe khách khác nhau hoặc 3 bến xe khách khác nhau (trong trường hợp nối tuyến) và được cấp 1 phù hiệu (trên phù hiệu ghi tên 2 tuyến).

Trường hợp hai chuyến xe trên cùng một tuyến có thời gian liền kề nhau do cùng một đơn vị khai thác thì chuyến sau nếu đã bán hết vé được phép xuất phát cùng giờ với chuyến trước. Quy định mới được nhiều người đánh giá là phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của cả hành khách lẫn DN vận tải.

Quản chặt để công bằng

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, quy định trên phù hợp với thực tế, bởi với các chuyến xe đã bán hết vé, hành khách có nhu cầu đi sớm, không nhất thiết phải chờ đến đúng giờ xuất bến theo quy định. Dưới góc độ của DN vận tải, đại diện một nhà xe cũng cho rằng, quy định mới giúp hành khách giảm thời gian chờ đợi, còn với DN cũng giúp giải tỏa hành khách sớm và nâng cao chất lượng dịch vụ và tần suất phục vụ, thuận lợi đôi đường.

Nêu quan điểm về vấn đề này, theo thạc sĩ quản lý kinh tế Hoàng Thị Thu Phương, xu hướng vận tải hiện nay là lấy hành khách làm trung tâm phục vụ. Trong bối cảnh xe hợp đồng, xe dù đang “chèn ép” xe khách tuyến cố định bởi sự chủ động trong giờ đi, lịch trình và hành trình di chuyển thì quy định mới trở thành giải pháp quan trọng giúp DN vận tải tuyến cố định vừa đáp ứng nhu cầu và giữ chân khách hàng, vừa giúp gia tăng sự cạnh tranh với xe hợp đồng.

“Muốn vậy, các DN vận tải phải nâng cao chất lượng dịch vụ và phục vụ; đồng thời, bến xe và lực lượng chức năng cần giám sát chặt để các xe xuất bến phải được kiểm đếm, xác nhận hành khách trên xe nhằm đảm bảo cạnh tranh lành mạnh với các DN khác cùng tuyến. Thậm chí, cần yêu cầu DN phải ký cam kết, nếu sai phạm trong việc xếp khách để chạy cạnh tranh với tuyến khác thì thu hồi giấy phép của nhà xe trên tuyến” - bà Hoàng Thị Thu Phương nói.

Lãnh đạo Vụ Vận tải cho biết, theo quy định mới tại Thông tư số 36/2024/TT-BGTVT hai chuyến xe liền kề trên cùng một tuyến của cùng một DN nếu bán hết vé mới được xuất phát cùng lúc vào giờ của chuyến trước; nếu là xe của hai DN khác nhau thì không được phép. Hơn nữa, quy định cũng nêu rõ khi hai chuyến liền nhau của một DN đã đủ khách và xuất bến vào giờ của chuyến trước thì giờ xuất bến của chuyến sau, DN đó không được cho xe xuất bến.

Như vậy, đơn vị vận tải vẫn phải tuân thủ quy định tổng số chuyến trong ngày được cấp phép hoạt động. Điều này nhằm tránh tình trạng hai xe của hai đơn vị vận tải khác nhau cùng xuất phát một lúc, đi trên đường có thể xảy ra tình trạng cạnh tranh giờ đến bến đối lưu, tiềm ẩn rủi ro mất an toàn giao thông. Đồng thời, cũng giải quyết được việc gom khách cho DN vận tải khác trên cùng tuyến có giờ xuất bến nằm giữa khung giờ của DN có 2 tuyến liền kề giờ nhau đã khởi hành có điều kiện gom khách trong khoảng thời gian này.

Các chuyên gia, DN vận tải và hành khách đều đồng tình rằng, sau Covid-19, thị trường vận tải hành khách đã có thay đổi lớn về thị hiếu và bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Việc các bất cập từng bước được ghi nhận và giải quyết sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý xe vận tải hành khách tuyến cố định, cải thiện vị thế và tính chủ động của DN vận tải nói chung cũng như từng bước thu hút hành khách trở lại gắn bó với xe vận tải tuyến cố định thay vì chịu rủi ro với việc bắt xe dù, xe hợp đồng trá hình.

Hiện nay, lực lượng chức năng đang thắt chặt việc kiểm tra xe kinh doanh vận tải dựa trên việc trích xuất thiết bị giám sát hành trình, nếu DN cố tình lách luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Huyền Sâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-tinh-chu-dong-canh-tranh-cho-xe-van-tai-tuyen-co-dinh.html
Zalo