Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát: Lo ngại nhiều sức ép
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát theo dự thảo được đánh giá sẽ tạo thêm sức ép với doanh nghiệp trong ngành trong bối cảnh sức chống chịu đang dần bị suy giảm.
Bộ Tài chính hiện đang chủ trì xây dựng Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, trong đó, một trong những nội dung mới là mở rộng cơ sở tính thuế.
Theo đó, dự thảo bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đồng thời, dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.
Bộ Tài chính giải thích, việc bổ sung đối tượng này là để thực hiện các chủ trương chỉ đạo về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam.
Từ đó, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.
Ngoài ra, nâng cao nhận thức và hạn chế tiêu thụ nước giải khát có đường, mang lại lợi ích về sức khỏe cộng đồng, đặc biệt đối với giới trẻ, thế hệ tương lai của quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy vậy, ở góc độ doanh nghiệp bị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ thay đổi chính sách thuế, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và pháp chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho biết, chuỗi giá trị của doanh nghiệp này hiện có khoảng 4.500 nhà cung cấp và 800.000 nhà phân phối.
Do đó, áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát sẽ có ảnh hưởng gián tiếp lên chuỗi ngành hàng, tác động đến kế hoạch, chiến lược dài hạn của doanh nghiệp, vị này cho biết tại hội thảo công bố nghiên cứu về tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường mới đây.
Theo ông Hưng, hiện cũng chưa thấy đánh giá tác động rõ ràng và kỹ càng, cũng như chưa có cơ sở để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng trong việc sử dụng mặt hàng nước giải khát khi dự thảo có hiệu lực.
Đại diện cho các doanh nghiệp thành viên, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát Việt Nam (VBA), cho rằng, các tác động cần được tính kỹ hơn dựa trên bối cảnh thực tế tại Việt Nam.
Phía hiệp hội đánh giá, báo cáo đánh giá tác động hiện thiên về định tính nhiều hơn, chưa đánh giá định lượng tác động tăng thuế đối với đối tượng chịu tác động trực tiếp, tác động gián tiếp, đến người tiêu dùng, môi trường đầu tư, lao động, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, bên cạnh mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng…
Trong bối cảnh đó, đại diện VBA kiến nghị chưa nên bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế lần này.
Nhiều sức ép với doanh nghiệp nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt
Ở góc độ nghiên cứu chính sách, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường trong giai đoạn hiện nay.
Một trong những nguyên nhân là nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành sẽ bị co hẹp, giá trị tăng thêm và giá trị sản xuất của ngành đều giảm.
Không chỉ vậy, theo tính toán của CIEM, việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành.
“Có thể thấy, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế”, CIEM nhấn mạnh.
Ngoài ra, CIEM lưu ý các sức ép sẽ gia tăng với ngành này trong thời gian tới khi chi phí nguyên liệu sản xuất tăng do giá đường tăng (theo Dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi), giá bán tăng.
Sức ép này thậm chí sẽ lớn hơn trong bối cảnh hiện nay khi doanh nghiệp đã và đang liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp ngành nước giải khát suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn.
Do vậy, bên cạnh đề xuất tạm chưa áp dụng thuế, nhóm nghiên cứu của CIEM cũng kiến nghị, cơ quan soạn thảo – Bộ Tài chính cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách; giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý.
Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục.
Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống để đảm bảo chất lượng thực phẩm, đồ uống khi tiêu thụ trên thị trường.
Đối với doanh nghiệp ngành nước giải khát, CIEM kiến nghị, các doanh nghiệp nên đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe cũng như cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tiết giảm chi phí.