Tăng thuế thuốc lá - giải pháp giúp xóa đói giảm nghèo ở châu Á - Thái Bình Dương

Phóng viên TTXVN tại Sydney dẫn nguồn trang mạng The Conversation cho biết mặc dù châu Á chiếm tới 7 trong số 10 quốc gia có số người hút thuốc cao nhất thế giới, song hiện vẫn chưa có các biện pháp nghiêm túc, hiệu quả và đầy đủ để giảm thiểu tác hại của thuốc lá tại khu vực này.

Người dân hút thuốc lá trên đường phố ở Amritsar, Ấn Độ, trong Ngày thế giới không hút thuốc lá, ngày 31/5/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Người dân hút thuốc lá trên đường phố ở Amritsar, Ấn Độ, trong Ngày thế giới không hút thuốc lá, ngày 31/5/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Các chuyên gia khuyến nghị các quốc gia châu Á cần hành động ngay từ bây giờ để đẩy lùi những rủi ro và thiệt hại do thuốc lá và việc hút thuốc lá gây ra. Một trong những giải pháp có thể mang lại hiệu quả chính là tăng giá thuốc lá thông qua việc đánh thuế cao hơn.

Tăng thuế thuốc lá là một giải pháp khả thi và mang lại hiệu quả lớn, trong khi phí tổn lại thấp. Một lợi ích trực tiếp của biện pháp này là tăng đáng kể doanh thu của chính phủ. Chỉ riêng ở Campuchia, nguồn thu bổ sung dự kiến của chính phủ trong 5 năm sẽ là 230 triệu USD từ mức tăng thuế thuốc lá được khuyến nghị. Khi những người hút thuốc bỏ thuốc lá, ngân sách hộ gia đình sẽ tăng lên. Tỷ lệ hút thuốc thấp hơn cũng bảo vệ phụ nữ không hút thuốc khỏi tiếp xúc với khói thuốc thụ động ở nhà và nơi làm việc.

Ở Philippines, một nửa thuế tiêu thụ đặc biệt thu được từ các sản phẩm thuốc lá và đồ uống có đường, và 80% thuế tiêu thụ đặc biệt thu được từ các sản phẩm rượu và thuốc lá điện tử được sử dụng để tài trợ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. 20% còn lại được phân bổ cho phát triển xã hội, trong khi 5% doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá được dành để hỗ trợ nông dân trồng thuốc lá, bao gồm cả việc giúp họ chuyển đổi cây trồng.

Tại Australia, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá đã tăng từ 0,19 AUD/điếu (0,13 USD/điếu) vào năm 1999 lên 1,16 AUD/điếu (0,78 USD/điếu) và sẽ tăng 5%/năm trong 3 năm tới. Trong thời gian đó, tỷ lệ người Australia từ 14 tuổi trở lên hút thuốc hằng ngày đã giảm mạnh từ 22% xuống còn 11%. Chính phủ Australia muốn giảm tỷ lệ này xuống dưới 10% vào năm 2025 và 5% vào năm 2030.

New Zealand thậm chí còn tiến xa hơn với chính sách “Không khói thuốc vào năm 2025”, với mục tiêu đến năm 2025, sẽ chỉ còn gần 5% người dân New Zealand hút thuốc. Chiến lược này bao gồm việc cấm bán các sản phẩm thuốc lá cho bất kỳ ai sinh sau ngày 1/1/2009. Chính phủ New Zealand đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo tỷ lệ lạm phát cộng thêm 10% mỗi năm từ năm 2010 - 2020. Nhiều thập kỷ nỗ lực kiểm soát thuốc lá, bao gồm cả việc đánh thuế thuốc lá, đã giúp tỷ lệ hút thuốc giảm từ 36% vào năm 1976 xuống còn 13% vào năm 2020.

Việc đánh thuế cao hơn đối với thuốc lá nhận được sự ủng hộ của cả những người hút và không hút thuốc lá. Khảo sát cho thấy có tới 60% số người không hút thuốc được hỏi tán thành việc đánh thuế thuốc lá cao hơn. Trong bối cảnh căng thẳng kinh tế đang gia tăng ở nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương do doanh thu trì trệ, nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội, việc đánh thuế thật cao đối với thuốc lá và các sản phẩm có hại khác sẽ là một trong những biện pháp mang lại cơ hội để các quốc gia trong khu vực giảm bớt các áp lực kinh tế, tài chính, hướng tới mục tiêu “xóa đói giảm nghèo”.

Thanh Tú (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tang-thue-thuoc-la-giai-phap-giup-xoa-doi-giam-ngheo-o-chau-a-thai-binh-duong-20230609090901446.htm
Zalo