Tăng thu nhập từ những món bánh dân dã

BHG - Từ những nguyên liện sẵn có tại địa phương, những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Giang đã làm ra những chiếc bánh thơm ngon. Vừa góp phần lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Hiện nay trên nhiều xã, phường của thành phố Hà Giang, nghề làm bánh truyền thống đã trở thành công việc mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình. Theo bà con cho biết, trước đây vào những dịp lễ, Tết thì mới làm bánh nhiều, nhưng vài năm trở lại đây do nhu cầu thị trường nên bà con đã làm bánh hàng ngày để bán.

Chị Bế Thị Sinh, thôn Lúp, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) gói bánh Chưng gù.

Chị Bế Thị Sinh, thôn Lúp, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) gói bánh Chưng gù.

Đến nhà chị Bế Thị Sinh, thôn Lúp, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang khi chị đang vớt những mẻ bánh Chưng gù nóng hổi ra khỏi nồi gang còn đang bốc hơi nghi ngút … Vừa nhanh tay xếp những chiếc bánh ra để nguội kịp giao cho khách, chị sinh chia sẻ với chúng tôi: “Ngày xưa gia đình tôi chỉ làm bánh vào những ngày Tết, lễ. Nhưng từ khi mở chợ phiên Phương Độ, cứ đều đặn vào ngày chợ là tôi lại làm các loại bánh để bán. Dần dần lượng khách quen ngày một nhiều, họ đặt cả vào những ngày thường trong tuần, có những người đặt với số lượng lớn để mang làm quà biếu. Hiện nay, làm bánh đã trở thành công việc chính của tôi, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình”. Không chỉ các thành viên trong gia đình mà chị em phụ nữ trong thôn biết gói bánh và tranh thủ được thời gian cũng tham gia làm bánh cùng gia đình chị Sinh khi có những đơn hàng khách đặt với số lượng lớn. Ngoài thu nhập kinh tế, đây cũng là cách mà chị gìn giữ và truyền nghề cho con cháu.

Chúng tôi tiếp tục ghé thăm nhà chị Nguyễn Thị Nhuần, thôn Tiến Thắng, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang. Là một trong những người trẻ luôn dành nhiều tâm huyết làm các loại bánh dân gian, đặc biệt là bánh Chưng gù, bánh chuối, bánh tẻ, bánh gai, bánh lá cải... Học được cách làm bánh từ bà ngoại và mẹ truyền lại, năm 14 tuổi, chị Nhuần đã cùng mẹ làm bánh đem ra chợ phiên bán. Chị Nhuần chia sẻ: “Làm bánh vừa có thu nhập, vừa gìn giữ được nghề truyền thống ông bà truyền lại. Dù ngày nay, nghề làm bánh có máy móc hỗ trợ nhưng để làm ra những chiếc bánh phải trải qua nhiều công đoạn, có khi mất cả ngày mới có được mẻ bánh ngon. Cũng vì vậy, hiện rất nhiều người trong thôn không biết làm bánh truyền thống”.

Để đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, nhiều hộ đã chủ động đầu tư các loại máy móc như máy ghiền bánh, máy hấp bánh… Nhờ đó đã tiết kiệm được thời gian và tăng năng suất. Với việc chú trọng tới khâu vệ sinh an toàn thực phẩm, chất liệu bánh dẻo, thơm ngon. Thời gian qua, nghề làm bánh đã tạo được việc làm thường xuyên cho nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố Hà Giang và mang lại thu nhập ổn định từ 6 – 7 triệu đồng/tháng cho người dân tại địa phương.

Ngày nay, bất cứ khi nào thích thì người dùng có thể đặt mua những chiếc bánh truyền thống được làm theo phương thức thủ công, đúng cách, đúng vị thông qua nhiều kênh, nhiều cách. Khi chọn mô hình làm bánh truyền thống để khởi nghiệp của những người phụ nữ như chị Sinh, chị Nhuần và rất nhiều gia đình khác trên địa bàn thành phố không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu mà ấp ủ trong đó mong muốn giữ lửa nghề làm bánh truyền thống để nó không bị mai một, lãng quên.

Bài, ảnh: Nguyễn Yếm

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202407/tang-thu-nhap-tu-nhung-mon-banh-dan-da-c174a24/
Zalo