Tăng sức tiêu thụ sản phẩm vùng trung du và miền núi qua thương mại điện tử

Các địa phương Vùng Trung du – Miền núi được hỗ trợ triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng số, phát triển hạ tầng thương mại điện tử, thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm địa phương trên nền tảng số.

Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX - Bộ Công Thương) mới ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các doanh nghiệp nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) tiêu biểu, bao gồm Shopee, TikTok Việt Nam, cùng đại diện Sở Công Thương của các tỉnh trong Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (Lai Châu, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Bái và Điện Biên).

Sự kiện này sẽ đánh dấu bước khởi đầu quan trọng để thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp nền tảng. Mục tiêu là hỗ trợ triển khai các hoạt động đào tạo kỹ năng số, phát triển hạ tầng TMĐT, thúc đẩy việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm địa phương trên nền tảng số. Biên bản ghi nhớ sẽ góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số và nâng cao năng lực kinh doanh số cho khu vực Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

TMĐT thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn như Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc - Ảnh minh họa: Moit

TMĐT thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn như Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc - Ảnh minh họa: Moit

Các hoạt động trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ sẽ giúp xây dựng một môi trường kinh doanh TMĐT mạnh mẽ và cạnh tranh, mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc, không chỉ cung cấp kiến thức, công cụ và kỹ năng ứng dụng TMĐT, còn tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương trên quy mô toàn quốc.

Theo đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), để xây dựng hệ sinh thái TMĐT vùng bền vững, cần thực hiện 4 nhóm giải pháp chiến lược, bao gồm: Hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ TMĐT vùng cao phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia; Ứng dụng công nghệ số phục vụ phát triển sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, nâng cao năng lực kết nối và bảo vệ thương hiệu địa phương; Phát triển hạ tầng logistics và phân phối số, đặc biệt tại các khu vực vùng sâu vùng xa; Nâng cao năng lực số tại chỗ, thông qua đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cán bộ quản lý địa phương.

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm Vùng Trung du - Miền núi vẫn còn hạn chế do điều kiện hạ tầng, nhân lực và tập quán kinh doanh truyền thống - Ảnh minh họa: Moit

Việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất, phân phối, tiêu thụ sản phẩm Vùng Trung du - Miền núi vẫn còn hạn chế do điều kiện hạ tầng, nhân lực và tập quán kinh doanh truyền thống - Ảnh minh họa: Moit

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. TMĐT chính là 1 trong những trụ cột then chốt để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại các địa phương, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn như Vùng Trung du và Miền núi phía Bắc.

Năng lực kinh doanh số được xem là nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mô hình “mỗi sản phẩm đặc sản là một thương hiệu số”, đưa TMĐT thực sự trở thành công cụ tạo sinh kế, gia tăng giá trị và lan tỏa văn hóa vùng cao.

Nguyễn Quỳnh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tang-suc-tieu-thu-san-pham-vung-trung-du-va-mien-nui-qua-thuong-mai-dien-tu-post1202007.vov
Zalo