Tăng sức hút di sản trên nền tảng số
Các nội dung về di sản văn hóa ngày càng tạo sức hút trên các nền tảng số. Tuy nhiên, cần cân bằng giữa tính sáng tạo để hấp dẫn người xem và giữ giá trị cốt lõi của di sản.
Mảnh đất màu mỡ cho nhà sáng tạo nội dung
Kỷ nguyên số mở ra cơ hội chưa từng có để kết nối và lan tỏa di sản văn hóa đến đông đảo công chúng, vượt qua mọi rào cản về không gian và thời gian. Trên thực tế, một di sản văn hóa nếu chỉ tiếp cận theo phương thức truyền thống sẽ giới hạn phạm vi đến vài trăm hoặc vài nghìn người. Nhưng khi được số hóa và đưa lên các nền tảng trực tuyến, di sản đó có thể tiếp cận hàng triệu lượt xem, minh chứng cho sức mạnh lan tỏa diệu kỳ của công nghệ.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, cho biết: "Có những video ngắn đạt tới 300 triệu lượt xem chỉ trong vòng một tuần, cho thấy công nghệ đang thay đổi cách thức truyền tải giá trị và câu chuyện Việt Nam đến khán giả một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất".
Giới trẻ ngày nay đặc biệt quan tâm đến các nội dung di sản văn hóa, từ âm nhạc truyền thống kết hợp yếu tố hiện đại, đến các chuyến tham quan di tích, bảo tàng và khám phá cổ vật… Đây là mảnh đất màu mỡ cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo nội dung khai thác.

Nhiều nhà sáng tạo nội dung sẽ tham gia lan tỏa di sản văn hóa Việt Nam trên TikTok. Ảnh: Ng. Phương
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực số hóa di sản, TS. Nguyễn Đức Hoàng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chia sẻ về các dự án ông từng tham gia như: phục dựng hiện vật cổ bằng công nghệ, tạo dựng triển lãm ảo về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hay tái hiện lễ Quốc khánh 2.9.1945 trong không gian số. Ông Hoàng tin rằng, công nghệ số giúp tiếp cận công chúng, đặc biệt là giới trẻ, một cách dễ dàng và hấp dẫn hơn so với các phương thức truyền thống.
"Nhiều phụ huynh e ngại con chơi game, nhưng game lại là công cụ tiếp cận giới trẻ cực kỳ hiệu quả. Chúng tôi chủ trương tạo ra những trò chơi mang tính giáo dục và giải trí lành mạnh. Trong top 10 thế giới về public game, có 2 nhà sản xuất của Việt Nam, mỗi công ty có 2 tỷ lượt tải trên toàn thế giới. Nếu các đơn vị làm một chút nội dung về văn hóa, di sản Việt Nam, chúng ta có ít nhất 4 tỷ lượt xem…” - TS. Nguyễn Đức Hoàng phân tích.
Từ kinh nghiệm làm mới cách tiếp cận di sản để đưa xẩm đến gần khán giả trẻ, ca sĩ Hà Myo cho rằng, thế hệ trẻ ngày nay không chỉ năng động và sáng tạo, mà còn có lợi thế về công nghệ, khả năng nắm bắt xu hướng và kết nối toàn cầu qua điện thoại thông minh. Vì thế, “di sản không nên chỉ nằm trong bảo tàng hay sách vở, mà cần được sống động và hòa nhập với thời đại. Các bạn trẻ có thể kể lại những câu chuyện di sản bằng ngôn ngữ của riêng mình, và thực tế là nhiều bạn trẻ đang làm rất tốt điều đó. Họ lan tỏa vẻ đẹp Việt Nam trên các nền tảng số thông qua video ngắn, ảnh chụp, tranh vẽ, hay các nội dung về trang phục, ẩm thực, hội họa... góp phần đưa văn hóa Việt Nam vươn tầm quốc tế".
Sáng tạo dựa trên giá trị cốt lõi
Trong kỷ nguyên số, các nền tảng trực tuyến như mạng xã hội, video trực tuyến và các trang web chuyên về văn hóa đã trở thành những kênh thông tin quan trọng để tiếp cận đối tượng khán giả rộng lớn, đặc biệt là giới trẻ. Việc tạo ra các nội dung hấp dẫn, sáng tạo và mang tính giáo dục về di sản văn hóa trên các nền tảng này giúp tăng cường sự quan tâm và nhận thức của công chúng về giá trị của di sản.
Cho rằng, việc tăng "view" là cần thiết, song Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, TS. Lê Thị Minh Lý lưu ý, không nên coi trọng số lượng lượt xem bằng chất lượng nội dung, chất lượng người xem. Việc cân bằng giữa “view” và giá trị nội dung, giữa bảo tồn và phát triển, dân tộc hóa và hiện đại hóa, chọn lọc để hội nhập cho đúng cái của mình là một thách thức. "Sáng tạo là điều đáng trân trọng, nhưng phải dựa trên giá trị cốt lõi của di sản".
Sự gia tăng sức hút của nội dung văn hóa trên nền tảng số đi kèm với thách thức về tính xác thực của thông tin. TikTok đã chứng minh tiềm năng lan tỏa văn hóa thông qua chương trình tôn vinh âm nhạc truyền thống #NganNgaVietNam, thu hút hàng trăm triệu lượt xem. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lâm Thanh cũng chỉ ra rằng, để lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả, cần có sự chung tay của khán giả, xây dựng cầu nối giữa các chuyên gia, cộng đồng nhà sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng.
Nhằm thúc đẩy bảo tồn di sản trong kỷ nguyên số, ngày 28.3, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam và TikTok đã hợp tác ra mắt chiến dịch "Đổi mới và bảo tồn di sản trong thế giới số”. Ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết, trong bối cảnh hành vi của giới trẻ thay đổi mạnh mẽ, cần có phương pháp tiếp cận mới. Chương trình sẽ tổ chức các tọa đàm, nghiên cứu để tìm ra phương pháp mới, giúp bảo tồn và lan tỏa giá trị di sản hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, tổ chức các chuyến đi thực tế, mời các nhà sáng tạo nội dung trải nghiệm di sản văn hóa tại địa phương theo chủ đề và không gian địa lý cụ thể. Nội dung do họ tạo ra sẽ được lan tỏa trên nền tảng TikTok dưới hashtag #DiSanVietNam. Qua đó, người dùng TikTok có thể dễ dàng tìm hiểu, biết đến di sản Việt Nam. Ban tổ chức đặt mục tiêu khiêm tốn là sẽ có khoảng 200.000 video và một tỷ lượt tiếp cận trong năm đầu tiên triển khai chương trình.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam hy vọng, thông qua nỗ lực chung này, các giá trị di sản không chỉ được lưu giữ mà còn lan tỏa mạnh mẽ, tạo động lực để mỗi người tự hào và chung tay bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.