Tăng sức hấp dẫn cho phố đi bộ
Hà Nội ngày càng có nhiều tuyến phố đi bộ. Mới đây nhất là phố đi bộ kết hợp ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa), phố đi bộ hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình). Bên cạnh một số tuyến phố đi bộ luôn tấp nập, một số tuyến lại khá đìu hiu. Thành phố cần có giải pháp để tăng sức hút nếu không muốn một số tuyến phố đi bộ chìm vào quên lãng.

Phố đi bộ Đảo Ngọc-Ngũ Xã duy trì sức hút nhờ các hoạt động văn hóa-nghệ thuật và trang trí gợi lại không gian thời bao cấp.
Cuối tuần, khi thành phố lên đèn cũng là lúc hồ Ngọc Khánh “quây rào” để tổ chức không gian đi bộ. Không gian quanh hồ Ngọc Khánh từ lâu đã nổi tiếng với hàng chục quán cà-phê. Ngày thường, nhất là những tối mùa hè, với lợi thế cây xanh, mặt nước, các quán cà-phê ở đây đều tấp nập người đến uống cà-phê, tận hưởng không khí thoáng đãng. Song từ khi có hoạt động của phố đi bộ, khách đến với con phố này lại vắng hơn. Khoảng 20 giờ 30 phút, khung giờ cao điểm của các hoạt động vui chơi buổi tối, nhiều quán vẫn vắng vẻ. Thi thoảng chỉ có một tốp người cao tuổi đi lại tập thể dục và lác đác vài nhóm thanh niên. Bà Trương Thị Hòa, sống gần hồ Ngọc Khánh chia sẻ: “Nhà tôi cách hồ một quãng cho nên tôi thường đi bộ buổi tối. Kể từ ngày tổ chức hồ Ngọc Khánh thành không gian đi bộ, chúng tôi đi bộ thấy an toàn hơn. Nhưng có lẽ các hộ kinh doanh thì không thích vì khá vắng vẻ”. Trên thực tế, khi tổ chức khu vực hồ Ngọc Khánh thành không gian đi bộ, quận Ba Đình chủ yếu đầu tư vào cải tạo hạ tầng, nhưng lại chưa có nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút người dân. Do đó, việc khu phố chưa thu hút được đông khách là điều dễ hiểu. Thậm chí, trước đây, người ta có thể đi xe vào để uống cà-phê thì nay lại mất thêm chi phí gửi xe cho nên nhiều người cũng không mặn mà.
Hoạt động của tuyến phố đi bộ Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất cũng khá trầm lắng. Không gian đi bộ ở đây chỉ sôi động khi thành phố tổ chức các sự kiện như liên hoan, lễ hội… Còn những ngày không có sự kiện thì không gian của tuyến phố đi bộ chủ yếu là hoạt động của dịch vụ cho thuê ô-tô, xe máy điện dành cho trẻ em và một số dịch vụ khác. Rất ít khách du lịch đến với không gian này. Mặt khác, việc quản lý đôi lúc còn lỏng lẻo khiến chủ các phương tiện xe máy vẫn đi vào khu vực đi bộ làm người dân cảm thấy bất an.
Hà Nội ngày càng có nhiều tuyến phố đi bộ. Trong khi các tuyến phố đi bộ tại khu phố cổ và hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm); phố đi bộ kết hợp ẩm thực đảo Ngọc-Ngũ Xã (quận Ba Đình), phố đi bộ Nguyễn Văn Tuyết (quận Đống Đa), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây)… vẫn giữ sức hút từ ngày đi vào khai thác đến nay, thì một số tuyến phố khác lại “ế ẩm”. Nếu tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ có sức hút tự nhiên bởi đó là khu trung tâm của Hà Nội thì những tuyến phố còn lại thu hút nhờ bản sắc văn hóa. Phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây là không gian biểu diễn nghệ thuật, triển lãm, trưng bày… của người dân thị xã Sơn Tây và vùng phụ cận. Vào những dịp lễ, Tết, chính quyền thị xã Sơn Tây tổ chức nhiều chương trình lớn, thí dụ như chương trình Trung thu Thành cổ hiện đã trở thành thương hiệu được nhiều người biết đến. Do đó, dù xa trung tâm, nhưng phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây không chỉ thu hút người dân quanh vùng mà còn thu hút cả khách du lịch từ tỉnh khác, cũng như giữ chân du khách khi đến xứ Đoài. Phố đi bộ Đảo Ngọc-Ngũ Xã và Nguyễn Văn Tuyết lại có đặc trưng là hoạt động ẩm thực. Có thể nói, chính các hoạt động văn hóa có tính đặc trưng tạo nên sức hút của những tuyến phố đi bộ thay vì chỉ “quây rào” tổ chức không gian đi bộ.
Hà Nội đang chuẩn bị có thêm phố đi bộ-ẩm thực Tống Duy Tân (quận Hoàn Kiếm). Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn là giám tuyển nghệ thuật của dự án cải tạo, chỉnh trang phố ẩm thực Tống Duy Tân- ngõ Hàng Bông cũng như tham gia nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng khác. Theo anh, để phố đi bộ trở nên hấp dẫn, Hà Nội cần biến các không gian đi bộ thành không gian sáng tạo mang dấu ấn riêng về văn hóa của từng địa phương, tránh những hoạt động na ná nhau. Một bài học mà các địa phương có thể tham khảo đó là phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ). Sau khi nhận thấy không gian đi bộ này hoạt động không hiệu quả, quận Tây Hồ đã chuyển đổi mô hình thành “Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ”, chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch của thành phố cũng như quận, khiến không gian này trở nên sinh động hơn mà không lãng phí nguồn lực vào tổ chức không gian đi bộ.