Tăng sức cạnh tranh cho nông sản Việt - Bài 2: Công nghiệp chế biến còn lạc hậu
Theo nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, trong chuỗi giá trị nông sản, khâu có lợi nhuận thấp nhất là nuôi trồng sản xuất, chỉ chiếm khoảng 12%-13% tổng giá trị gia tăng. Hơn 80% giá trị còn lại nằm ở các khâu: chế biến, phát triển thương hiệu, bán hàng… Điều trớ trêu là, phân khúc mang lại lợi nhuận cao nhất chưa phải là thế mạnh của Việt Nam.
Chủ yếu xuất thô
Thế giới đã có nghiên cứu, trong 100 tỷ USD trị giá cà phê đến tay người tiêu dùng, người trồng cà phê chỉ nhận được khoảng 15 tỷ USD, còn 85 tỷ USD “rơi vào tay các khâu chế biến, phân phối, xây dựng thương hiệu”... ở những nước không trồng cà phê. Riêng Việt Nam, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, phần lớn nông sản xuất khẩu vẫn phải bán thô, lợi nhuận thu được không như mong muốn. Như mặt hàng cà phê, nếu xuất thô cà phê nhân, giá hiện chỉ khoảng 2.400 USD/tấn, còn nếu qua chế biến có thể thu 3.600 USD/tấn.
Việt Nam hiện có hơn 7.500 doanh nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, với khoảng 120 triệu tấn nguyên vật liệu nông sản được chế biến hàng năm. Con số cho thấy “đội ngũ” chế biến hùng hậu, nhưng theo nhận định của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT), công nghệ chế biến nông sản của Việt Nam còn nhỏ lẻ, lạc hậu với khoảng 95% cơ sở nhỏ và vừa. Các sản phẩm sơ chế vẫn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 70%-80%), còn các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao còn ít.
Do quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp khó đáp ứng điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, rào cản kỹ thuật xuất khẩu. Mặt khác, người sản xuất thường bị động về thông tin thị trường, khi được mùa, lại bị thương lái ép giá, lợi nhuận thấp; tích lũy không cao nên thiếu vốn đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc để theo chuỗi khép kín. Bên cạnh đó, một số nông dân gian lận vùng trồng, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm.
Tại Diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa” do Bộ NN-PTNT tổ chức tại tỉnh Bến Tre trung tuần tháng 12-2024, một thông tin bất ngờ là ngành dừa có khả năng trở thành ngành hàng xuất khẩu tỷ USD trong năm 2024 nhưng doanh nghiệp và hiệp hội lại đồng loạt kêu cứu. Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc Kỹ thuật Công ty Vina T&T, cho biết: “Ngày 12-12-2024, chúng tôi phát hiện lô hàng 10 container dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc có dấu hiệu gian lận mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của công ty. Đây là một vấn đề nổi cộm cần giải quyết triệt để, từ đó đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành dừa xuất khẩu”.
Trong khi đó, vào tháng 10-2023, có 2 lô sầu riêng và ớt của Việt Nam khi xuất sang Nhật Bản đã bị buộc tiêu hủy do tồn dư hóa chất vượt tiêu chuẩn cho phép. Đơn vị nhập khẩu 2 lô hàng trên là Công ty Japan Apple LLC đã chịu thiệt hại hàng trăm triệu đồng… Theo ông Nguyễn Phong Phú, hiện nay nhiều tổ chức sau khi được cấp mã số vùng trồng đã vi phạm quy định bằng cách bán lại hoặc cho thuê, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm. Thậm chí, một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đăng ký, dẫn đến việc vi phạm kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng xuất khẩu mà còn khiến các nước nhập khẩu, nhất là Trung Quốc, tăng cường kiểm soát hoặc đình chỉ nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này gây thiệt hại lớn cho nông dân và doanh nghiệp chân chính.
Những năm gần đây, cà phê Việt là một ngành có sản lượng xuất khẩu lớn, có mặt tại hơn 80 thị trường, mỗi năm đem về hàng tỷ USD cho đất nước, song thực tế trị giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp do lượng xuất cà phê thô chiếm tỷ trọng lớn. Bộ NN-PTNT cho biết, cả nước hiện trồng khoảng 710.000ha cà phê, tập trung ở Tây Nguyên. Niên vụ 2023-2024, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt 1,45 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu hơn 5,4 tỷ USD. Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, chia sẻ, tỷ lệ cà phê chế biến sâu xuất khẩu rất thấp, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô cho đối tác nước ngoài.
Ở tỉnh Gia Lai, nơi đang có khoảng 100.000ha cà phê đang thời kỳ kinh doanh, chỉ hơn một nửa đã chuyển sang trồng theo tiêu chuẩn 4C (giảm thiểu sử dụng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường), organic (hữu cơ) để cho ra sản phẩm sạch, chất lượng cao. Đáng tiếc, theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, do số lượng nhà máy và cơ sở chế biến còn ít (cả tỉnh có khoảng 80 đơn vị) nên tỷ lệ cà phê qua chế biến chưa tới 10%, còn lại là xuất thô.
Thiếu công nghệ bảo quản
Việc tổ chức xuất khẩu nông sản hiện còn nhiều hạn chế như hệ thống bảo quản, sơ chế, chế biến còn thiếu, chưa hiện đại và chưa đồng bộ, nên tổn thất sau thu hoạch khá cao. Theo thống kê, tỷ lệ hao hụt sản lượng nông sản chiếm tới 25%-30%, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của nông sản Việt. Đã rất nhiều lần, đơn hàng bị đối tác trả lại, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức cạnh tranh, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp cũng như quốc gia.
Tại tỉnh An Giang, những năm gần đây, sản lượng nông sản, lương thực, thực phẩm được sản xuất rất dồi dào, phong phú về chủng loại, song thất thoát sau thu hoạch lại chiếm tỷ lệ cao. Trong đó có nguyên nhân là nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân chưa quan tâm ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch, thiếu hệ thống bảo quản chế biến sau thu hoạch thích hợp, tỷ lệ chế biến thấp, gây thất thoát.
Ông Bùi Xuân Điện, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông nghiệp Ô Lâm (tỉnh An Giang), cho hay, hợp tác xã có khoảng 50ha xoài với sản lượng bình quân 500 tấn/năm. Vậy nhưng sau mỗi đợt thu hoạch, sản lượng xoài thất thoát do dập, úng, côn trùng gây hại chiếm gần 10%. Vào những thời điểm xoài rớt giá, tỷ lệ thất thoát lên đến 70%-80%. Vì không có công nghệ bảo quản hoặc chế biến, nên khi giá xoài giảm, nông dân bỏ mặc, không thu hoạch, bởi chi phí thu hoạch cao hơn giá bán.
TP Hà Nội hiện có hàng ngàn cơ sở chế biến nông sản, nhưng 98% quy mô nhỏ và vừa, chủ yếu sản xuất thủ công. Số lượng dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại cũng như hệ thống kho bảo quản rất hạn chế. Điều này cho thấy chế biến nông sản chưa tương xứng với tiềm năng của nông nghiệp thủ đô.
Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, phát triển ngành rau quả theo hướng chế biến sâu không chỉ giúp kiểm soát được giá thành, mà còn nâng giá trị hàng hóa lên gấp 3-4 lần so với mặt hàng tươi. Hoạt động này còn giúp tăng thời gian bảo quản nông sản, giải bài toán dư thừa cục bộ nguồn cung. Dù vậy, để làm được điều này đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ, trong khi đa phần doanh nghiệp chế biến vốn ít (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng), không có mặt bằng sản xuất; công tác bảo quản sau thu hoạch của người nông dân chưa chú trọng.
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, sản lượng rau quả thu hoạch hàng năm tại Việt Nam đạt khoảng 31 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng đưa vào chế biến mới chỉ đạt khoảng 4,5 triệu tấn, chiếm 12%-17% trên tổng sản lượng rau quả cả nước.