Tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ
Trước những động thái về chính sách thuế quan của Tổng thống Trump, giới chuyên gia nhận định kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng khi giá hàng hóa tăng đi kèm với mối lo cạnh tranh.
Lo ngại bài toán cạnh tranh
Đánh giá diễn biến trên thị trường Mỹ trong năm 2025 rất khó lường, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương chia sẻ: mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ hiện tại là 0%, trong khi Trung Quốc là 25%.
![Sản xuất gỗ dán xuất khẩu. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458984/3513d85aef14064a5f05.jpg)
Sản xuất gỗ dán xuất khẩu. Ảnh minh họa
Lợi thế của Việt Nam cũng chính là mối lo trong bối cảnh thị trường lớn bên cạnh đang bị áp thuế cao. Nếu áp thuế nhập khẩu nguyên liệu tăng đối với hàng hóa từ Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu gỗ Việt vốn đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.
Với ngành dệt may, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) Trương Văn Cẩm nhìn nhận: việc Mỹ áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể tác động tới chuỗi cung ứng dệt may ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực.
Trong đó, tích cực là hàng Trung Quốc sẽ giảm cạnh tranh ở thị trường Mỹ và rõ ràng đây là cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam. Song điều đáng lưu ý, các nhà sản xuất Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, có thể bị ảnh hưởng vì vấn đề truy xuất nguồn gốc. Mặt tiêu cực, hàng dệt may Việt Nam buộc phải tăng giá bán nên e ngại sức cạnh tranh sẽ giảm.
Tương tự, việc Mỹ áp thuế tăng thêm 25% cho tất cả sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu vào nước này sẽ tác động đến ngành thép thế giới và cả Việt Nam. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, đây là mức thuế khá cao do Mỹ muốn bảo hộ ngành thép nội địa, buộc các nước xuất khẩu lớn phải ngồi lại đàm phán.
![Mỹ áp thuế tăng thêm 25% cho tất cả sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hàng nhôm, thép xuất khẩu Việt Nam. Ảnh minh họa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_11_51458984/7c388971be3f57610e2e.jpg)
Mỹ áp thuế tăng thêm 25% cho tất cả sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến hàng nhôm, thép xuất khẩu Việt Nam. Ảnh minh họa
Điều này gây tác động đầu tiên là sẽ làm tăng giá bán của sản phẩm thép, nhôm tại thị trường Mỹ, từ đó làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng sở tại. Bài toán đặt ra là sản phẩm nhập khẩu có cạnh tranh được với hàng của các công ty Mỹ hay không. Nếu vẫn cạnh tranh được thì thép từ các nước, trong đó có Việt Nam vẫn có thể bán được tại Mỹ.
Cân bằng cán cân thương mại là yếu tố then chốt
Năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa là tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là những thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ…
Xác định Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định: chính sách thuế quan của Mỹ từ nhiệm kỳ trước của Tổng thống Donald Trump chưa ảnh hưởng nhiều đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, năm 2025, dưới thời kỳ Trump 2.0, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản. Phương án 1, nếu Mỹ duy trì chính sách thuế nhập khẩu hiện hành, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận thêm dòng đầu tư mới để gia tăng xuất khẩu trong xu hướng chuyển dịch cơ cấu. Phương án 2, khi Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, hàng hóa từ Việt Nam sẽ ít nhiều bị sức ép, trong trường hợp này, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường.
Về vấn đề này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) lưu ý, nguy cơ hàng Việt bị áp thuế nếu thâm hụt thương mại giữa hai nước quá lớn. Bởi, điều Tổng thống Trump đặc biệt quan tâm là đặt lợi ích của người dân Mỹ trên hết. Hiện Trung Quốc bị áp thuế thêm 10%, Mexico và Canada đang bị "treo" mức thuế hàng nhập khẩu. Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có độ thâm hụt thương mại với Mỹ khá lớn nên cũng có nguy cơ.
Đơn cử như, nếu bị đánh thuế, hàng dệt may Việt khó cạnh tranh với hàng dệt may từ Bangladesh hay Ấn Độ. Do đó, giải pháp mềm mại nhất là nên vừa bán hàng vừa hợp tác đầu tư, tăng mua một số mặt hàng máy móc, công nghệ… mà Việt Nam cần nhập khẩu.
Nhiều chuyên gia đồng quan điểm, để duy trì sự ổn định và phát triển bền vững, việc cân bằng cán cân thương mại là yếu tố then chốt. Chính phủ và doanh nghiệp Việt cần phối hợp chặt chẽ với đối tác Mỹ trong việc thúc đẩy các dự án hợp tác, tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giảm áp lực thâm hụt. Bên cạnh đó, việc cải tiến phương thức thanh toán và chia sẻ rủi ro với nhà nhập khẩu cũng là giải pháp hiệu quả để tạo dựng lòng tin và mở rộng thị phần.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thay đổi khó lường của chính sách thương mại, doanh nghiệp Việt không chỉ cần chuẩn bị tốt về mặt chiến lược mà còn phải linh hoạt thích ứng với mọi biến động.
Việt Nam đang thực hiện hiệu quả chính sách điều hành tỷ giá hối đoái theo hướng giữ ổn định đồng tiền Việt với USD. Việc giữ ổn định tỷ giá sẽ giúp các nhà đầu tư thấy an toàn, ổn định, tích cực đầu tư hơn. Đặc biệt, giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp cận dây chuyền sản xuất, máy móc, công nghệ hiện đại từ Mỹ.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học Viện Tài chính)