Tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc

Chiều 26/4, tiếp tục chương trình của Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).

 Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đề nghị tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức TAND cấp cao, TAND cấp huyện; thành lập TAND khu vực; chuyển các TAND sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong TAND khu vực.

Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: TAND tối cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND khu vực.

Cùng với đó, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn phúc thẩm các vụ án hình sự mà bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị.

 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Bổ sung quy định trong cơ cấu tổ chức của TAND tối cao có các Tòa Phúc thẩm TAND tối cao và giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định phạm vi, thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa phúc thẩm TAND theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao.

TAND tối cao cũng đề nghị tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao từ 13 đến 17 người lên thành từ 23 đến 27 người, để đảm bảo đủ nguồn nhân lực giải quyết kịp thời, chất lượng đối với khối lượng công việc giám đốc thẩm, tái thẩm tăng thêm từ TAND cấp cao chuyển về để đáp ứng chỉ tiêu, yêu cầu của Quốc hội.

Đối với TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về nhiệm vụ xét xử sơ thẩm của TAND cấp tỉnh theo hướng TAND cấp tỉnh sơ thẩm vụ án hình sự theo quy định của luật.

Bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của TAND khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật.

 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của TAND cấp tỉnh theo hướng gồm: Ủy ban Thẩm phán, các Tòa chuyên trách, bộ máy giúp việc; đồng thời, giao Chánh án TAND tối cao quyết định thành lập và quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy giúp việc của TAND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại các TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành TAND khu vực.

Sửa đổi, bổ sung quy định về cơ cấu tổ chức của TAND khu vực theo hướng bổ sung quy định tại một số TAND khu vực thành lập Tòa Phá sản, Tòa Sở hữu trí tuệ, phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của các Tòa chuyên trách này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.

Tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành sự cần thiết ban hành luật; đồng thời nhận thấy, quy định của dự thảo là thực hiện đúng chủ trương về tăng cường phân cấp, phân quyền; phù hợp với tổ chức bộ máy, nguồn lực hiện có và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao của các TAND.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp.

Về thành lập Tòa chuyên trách về Kinh tế tại TAND khu vực; thành lập Tòa chuyên trách sở hữu trí tuệ, Tòa chuyên trách Phá sản tại một số Tòa án khu vực, Ủy ban Pháp luật – Tư pháp cho rằng, án kinh doanh, thương mại, án sở hữu trí tuệ và giải quyết yêu cầu về phá sản đều là các loại việc khó, phức tạp, đòi hỏi người tiến hành tố tụng phải có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực này.

“TAND tối cao đề xuất thành lập các Tòa chuyên trách nêu trên là đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, khi không tổ chức các TAND sơ thẩm chuyên biệt như luật hiện hành. Do đó, cơ bản tán thành dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc thành lập các Tòa chuyên trách này làm phát sinh đầu mối, đề nghị xin ý kiến cấp có thẩm quyền” – Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.

Theo tờ trình của TAND tối cao, trung bình mỗi năm, TAND tối cao giải quyết 2.800 đơn (vụ)/3.400 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 200 vụ/năm. 3 TAND cấp cao giải quyết 6.500 đơn (vụ)/7.900 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thuộc thẩm quyền; giải quyết, xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 800 vụ.

 Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình tại phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình tại phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp.

Như vậy, sau khi tiếp nhận một phần nhiệm vụ giám đốc thẩm, tái thẩm của các TAND cấp cao, dự báo TAND tối cao sẽ phải giải quyết khoảng 11.000 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm/năm; xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm khoảng 1.000 vụ/năm. Với khối lượng công việc như vậy, đòi hỏi phải tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao mới đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc tổ chức TAND 3 cấp và quy định thẩm quyền của từng tòa án; ủng hộ hướng tăng số lượng Thẩm phán TAND tối cao sau khi có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, cũng như việc thành lập các tòa án chuyên trách.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận. Ảnh: VPQH cung cấp.

Nhấn mạnh một số dự án luật khác trong lĩnh vực tư pháp cũng được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 sắp tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, hoàn thiện dự thảo đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Minh Khôi

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/tang-so-luong-tham-phan-tand-toi-cao-moi-dap-ung-duoc-yeu-cau-cua-cong-viec-176768.html
Zalo