Tăng phạt vi phạm giao thông, nhiều người sẽ biết sợ
Việc tăng chế tài sẽ tạo sự răn đe và phòng ngừa, nhiều người sẽ biết sợ mà không dám vi phạm, từ đó ngăn ngừa được các vụ tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông.
Tăng gấp nhiều lần mức phạt
Một ngày cuối tháng 12/2024, anh Nguyễn Lưu P (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đến trụ sở một đội CSGT tại Hà Nội hoàn thành nghĩa vụ xử phạt vi phạm hành chính.
Cách đó hơn một tháng, anh P điều khiển xe máy tham gia giao thông bị lực lượng CSGT lập biên bản do không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ).
Sau khi hoàn tất thủ tục, lực lượng chức năng ra quyết định tước giấy phép lái xe trên môi trường điện tử (qua ứng dụng VNeID) theo quy định. Đến thời hạn, anh P tới trụ sở và được cơ quan chức năng hướng dẫn nộp phạt, đồng thời hủy quyết định tước bằng lái xe.
Theo Nghị định 100/2019 và Nghị định 123/2021, trường hợp của anh P bị phạt 900.000 đồng. Đây là mức phạt đối với hành vi vượt đèn đỏ được áp dụng lâu nay.
Kể từ ngày 1/1/2025, Nghị định số 168/2024 có hiệu lực và thay thế cho Nghị định 100/2020 (sửa đổi, bổ sung tại nghị định 123/2021). Trong các quy định mới, hành vi lái xe máy vượt đèn đỏ như của anh P sẽ bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng.
Kỳ vọng phạt nặng, vi phạm sẽ giảm
Biết mức xử phạt mới sẽ tăng 5 - 6 lần so với hiện hành, anh Nguyễn Lưu P tỏ ra bất ngờ. Theo tài xế này, mức phạt hiện áp dụng cho hành vi vượt đèn đỏ dường như chưa đủ sức răn đe.
"Đó có thể là lý do dẫn đến tình trạng nhiều người đi xe máy vẫn tùy tiện vi phạm lỗi vượt đèn đỏ, nhất là ở khu vực đô thị", anh P chia sẻ.
Cũng là tài xế xe máy di chuyển hàng ngày trên nhiều tuyến phố chính của Hà Nội, anh Phạm Văn H (nhân viên văn phòng) thường xuyên chứng kiến cảnh người đi xe máy vô tư vi phạm các lỗi như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, rẽ ở nơi không được phép…
Anh H chia sẻ, hành vi vi phạm của người điều khiển xe máy diễn ra ở hầu hết khung giờ, ngay cả khi có cán bộ CSGT đứng điều tiết giao thông, nhiều người vẫn không ngần ngại vi phạm.
Nhiều người dân kỳ vọng, khi mức xử phạt vi phạm giao thông tăng cao, ý thức tuân thủ trật tự, an toàn giao thông, chấp hành luật sẽ được cải thiện.
Tăng tính răn đe, phòng ngừa
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Cục CSGT phân tích, hiện nay tình hình trật tự, an toàn giao thông, tai nạn và ùn tắc giao thông, nhất là tại các thành phố lớn diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại cho xã hội, cho người dân.
"Tình trạng vi phạm giao thông rất phổ biến, cần thiết lập lại trật tự văn hóa giao thông. Vì vậy, Ban soạn thảo thấy rằng, cần thiết phải tăng mức xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Theo đó, một số hành vi vi phạm về quy tắc giao thông như: Không chấp hành hiệu lệnh của tín hiệu đèn; chạy quá tốc độ, quay đầu, lùi xe, đi ngược chiều, đi vào đường cấm, khu vực cấm, lùi xe, đi ngược chiều trên cao tốc; chạy lạng lách, đánh võng; rải vật sắc nhọn... Đây là những lỗi cố ý, là nguyên nhân của rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra.
Bên cạnh đó, nhiều người cố tình đi xe không gắn biển số, che dán biển số để thực hiện các hoạt động phạm pháp, trốn tránh cơ quan chức năng, né phạt nguội. Do đó, cần tăng chế tài để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
"Kinh nghiệm khi thực hiện Nghị định 100 trong việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đến nay bước đầu đã tạo dựng được thói quen "đã uống rượu bia, không lái xe" và được nhân dân ủng hộ", đại diện Cục CSGT khẳng định.
Nghị định mới sẽ xử lý nghiêm khắc những hành vi là nguyên nhân gây tai nạn giao thông, thể hiện ý thức coi thường pháp luật khi tham gia giao thông với việc nâng mức phạt tiền rất cao, thậm chí tịch thu phương tiện đối với một số hành vi như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chạy xe lạng lách, đánh võng.
"Mục tiêu cao nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Từ đó, giúp phòng ngừa và kéo giảm tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn", đại diện Cục CSGT nhấn mạnh.
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang áp dụng chế tài rất mạnh, thậm chí là xử lý hình sự (dù chưa xảy ra hậu quả) đối với nhiều hành vi của người tham gia giao thông.
Đơn cử như hành vi đi ngược chiều trên đường cao tốc, vượt đèn đỏ, không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển phương tiện giao thông, vi phạm nồng độ cồn ở mức cao. "Việc tăng chế tài sẽ tạo tính răn đe và phòng ngừa, từ đó nhiều người sẽ biết sợ mà không dám vi phạm nữa", luật sư Cường nhìn nhận.