Tăng nặng mức xử phạt, ý thức tham gia giao thông chuyển biến

Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người dân.

Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP (Nghị định 168) quy định về xử lý vi phạm giao thông và trừ điểm giấy phép lái xe chính thức có hiệu lực, đã tăng nặng mức phạt đối với nhóm hành vi là các lỗi cố ý, gây nguy hiểm cao độ và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng như: Vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, lái xe quá tốc độ, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện…

Mức phạt điều chỉnh tăng nặng từ vài lần đến vài chục lần so với quy định cũ tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.

Hình ảnh đẹp trong việc chấp hành quy tắc tham gia giao thông trên đường phố. Ảnh: Phạm Công

Hình ảnh đẹp trong việc chấp hành quy tắc tham gia giao thông trên đường phố. Ảnh: Phạm Công

Theo Nghị định 168 của Chính phủ, nhiều hành vi vi phạm đối với xe ô tô được tăng mức phạt lên cao, điển hình như: Hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có mức phạt từ 18 - 20 triệu đồng; hành vi đi ngược chiều ở đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” có mức xử phạt 18 - 20 triệu đồng; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông mức phạt 20 - 22 triệu đồng; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, mức phạt 18 - 20 triệu đồng; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ mức phạt 35 - 37 triệu đồng…

Đối với mô tô, xe gắn máy cũng có các hành vi tăng nặng như: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, phạt từ 4 - 6 triệu đồng; điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h, phạt từ 6 - 8 triệu đồng; điều khiển xe mô tô đi vào đường cao tốc, mức phạt 4 - 6 triệu đồng; đi ngược chiều của đường một chiều, mức phạt 4 - 6 triệu đồng; điều khiển xe lạng lách, đánh võng, mức phạt 8 - 10 triệu đồng; gây tai nạn giao thông không dừng ngay phương tiện, không giữ nguyên hiện trường, không trợ giúp người bị nạn, không ở lại hiện trường hoặc không đến trình báo ngay với cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, mức phạt 8 - 10 triệu đồng…

Đáng chú ý, qua những ngày đầu tiên triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân Thủ đô đã có những chuyển biến rõ rệt.

Ghi nhận trên các tuyến đường nội đô cho thấy, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực. Đối với giao thông, tại một số tuyến đường có mật độ phương tiện cao như: Giải Phóng, Khuất Duy Tiến, Láng, Phạm Hùng,… dù còn ùn ứ nhưng đã chấm dứt tình trạng người dân chen lấn đi lên vỉa hè, dừng xe quá vạch và vượt đèn đỏ. Đối với người tham gia giao thông, mức phạt nặng đã khiến nhiều người biết sợ, không dám vi phạm hoặc tái phạm.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), tính riêng trong ngày thứ 3 của năm 2025 (ngày 3/1), toàn quốc xảy ra 48 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết 15 người, bị thương 26 người. Đặc biệt, trong ngày 3/1, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ đã kiểm tra, xử lý 12.588 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông; nộp Kho bạc Nhà nước 32 tỷ 544 triệu đồng. Lực lượng chức năng đã tạm giữ 58 xe ô tô, 3.462 xe mô tô, 96 phương tiện khác, tước 1.556 giấy phép lái xe.

Trong đó, có 2.236 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 2.743 trường hợp vi phạm về tốc độ. Về vi phạm chở hàng quá tải trọng có 133 trường hợp, quá khổ giới hạn 20 trường hợp, tự ý cải tạo phương tiện 2 trường hợp, vi phạm ma túy 24 trường hợp.

Riêng các đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT đã lập biên bản 157 trường hợp, nộp Kho bạc Nhà nước 477,5 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 27 trường hợp, tạm giữ 2 phương tiện…

Tại ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), hầu hết người tham gia giao thông đã chấp hành nghiêm quy định an toàn giao thông. Ảnh: Phạm Công

Tại ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), hầu hết người tham gia giao thông đã chấp hành nghiêm quy định an toàn giao thông. Ảnh: Phạm Công

Có thể thấy, trong những ngày thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Nghị định số 168/2024/NĐ-CP, những kết quả tích cực đã được ghi nhận khi phần lớn người dân nghiêm túc chấp hành các quy định bảo đảm an toàn giao thông. Đây được coi là bước khởi đầu quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân. Từ đó góp phần xây dựng văn hóa giao thông, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, mang đến sự an toàn cho người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, về tổng thể tình hình giao thông còn nhiều vấn đề đặt ra. Đáng chú ý, ý thức của một bộ phận tài xế chưa cao, dẫn đến tình trạng vi phạm vẫn phổ biến. Để lập lại trật tự, cần bảo đảm việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh, chế tài đủ tính răn đe và tương xứng với vi phạm, đặc biệt đối với các hành vi cố ý xâm phạm trật tự, an toàn giao thông.

Ngoài ra, bên cạnh các mức phạt “khủng”, yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở ý thức của mỗi cá nhân. Bởi văn hóa giao thông không chỉ đơn thuần là việc tuân thủ luật lệ mà còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Chính vì vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự chung tay nỗ lực của toàn xã hội, cộng đồng.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-nang-muc-xu-phat-y-thuc-tham-gia-giao-thong-chuyen-bien-182789.html
Zalo