Tăng mức xử phạt, quy trách nhiệm bồi thường nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật
Sáng 10/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Một số ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính; quy trách nhiệm bồi thường nếu quảng cáo sai sự thật.
Quy định rõ, chặt hơn người nổi tiếng thực hiện quảng cáo
Cho ý kiến vào dự thảo, ĐBHQ Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nêu quan điểm, qua các vụ sữa giả, thực phẩm chức năng giả vừa bị phát hiện cho thấy, các công ty này đều có các giấy tờ kiểm định, kiểm nghiệm, công bố sản phẩm. Nhưng thực tế các sản phẩm được sản xuất qua điều tra, kiểm định của cơ quan công an lại được xác định là hàng giả.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV sáng 10/5.
Đại biểu nêu băn khoăn đối với một số nội dung dự thảo Luật như: Việc yêu cầu người quảng cáo, nhất là các ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, Kol có trách nhiệm kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa sẽ có thực sự khả thi? Việc thông báo trước đến người tiếp nhận quảng cáo về việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo sẽ như thế nào? Phải chăng là viết lên Facebook, đăng lên TikTok, Youtube nói tôi chuẩn bị sẽ quảng cáo cho nhãn hàng này, sản phẩm kia, mời bà con chuẩn bị theo dõi. Do vậy cần sửa đổi, bổ sung các nội dung này để đảm bảo khả thi.
Về cơ chế bồi thường với hoạt động quảng cáo sai của người chuyển tải quảng cáo, nhất là những người nổi tiếng, đại biểu thấy cần quy định rõ hơn trong luật; Có thể bổ sung thêm nghĩa vụ của họ, phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường vì hành động quảng cáo sai của mình...

ĐBQH Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình.
Nếu người nổi tiếng đã thực hiện đầy đủ các biện pháp thẩm định hợp lý, dựa trên giấy tờ, hồ sơ pháp lý do doanh nghiệp cung cấp, thì thông thường họ không bị xem là cố tình quảng cáo gian dối, mà chủ doanh nghiệp/sản xuất sẽ chịu trách nhiệm chính.
Bên cạnh đó, tại khoản 4 đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung cụm từ "trong đó có những loại hình quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người" vào cuối khoản này. Điều này nhằm kịp thời quy định cụ thể đối với nội dung quảng cáo các loại sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, phải bảo đảm đầy đủ điều kiện về an toàn cho sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng và viết lại hoàn chỉnh thành "Chính phủ quy định danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt và yêu cầu đối với nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt, trong đó có những loại hình quảng cáo liên quan đến sức khỏe, tính mạng con người".
Tăng mức xử phạt nếu quảng cáo sai sự thật về sản phẩm ảnh hưởng tới sức khỏe
Cùng nêu quan điểm về vấn đề trên, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, các cá nhân có tầm ảnh hưởng lớn và họ là những người truyền cảm hứng, có khả năng làm ảnh hưởng đến quyết định của người khác như: Người nổi tiếng, người làm nội dung như Facebooker, TikToker, Youtuber… hoặc KOC họ trải nghiệm sản phẩm, đưa ra nhận xét, đánh giá chủ yếu theo quan điểm, góc nhìn cá nhân tạo ra sự tin tưởng đối với khách hàng.

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Bà Phúc cho rằng, điều đó không chỉ được xã hội quan tâm mà nhiều ĐBQH cũng quan tâm, các vấn đề này cũng đã được ĐBQH chất vấn ở Kỳ họp thứ 8 như: tình trạng quảng cáo TTCN sai sự thật… Do đó trong dự thảo Luật cùng với quy định về trách nhiệm của các tổ chức kinh doanh dịch vụ quảng cáo, phát hành quảng cáo thì người truyền tải quảng cáo là người có ảnh hưởng cần phải tăng cường xử phạt bởi những tác động trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.
"Tôi đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo; nâng cao mức phạt để đảm bảo tính răn đe, góp phần bảo vệ sức khỏe, tài sản và tính mạng của người tiêu dùng. Đồng thời tạo ra môi trường quảng cáo lành mạnh, bình đẳng; Bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý, nhất là những người có tầm ảnh hưởng", bà Huỳnh Thị Phúc nói.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần phải có cơ chế quản lý riêng đối với người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng. Bởi những người này làm việc trong các cơ quan, tổ chức khi họ vi phạm, trong đó có quảng cáo sai sự thật thì cơ quan cần có cơ chế quản lý chặt chẽ...