Tăng mức phạt với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm

Cần có mức phạt cao hơn để kiểm soát các hành vi vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Đề xuất tăng mức phạt

Mới đây, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hà Nội tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với Dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Tại cuộc họp, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Vũ Cao Cương cho biết, Sở đề xuất tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội lên gấp đôi so với mức phạt quy định trong các nghị định hiện hành. Đây là mức phạt tối đa được quy định tại Luật Thủ đô năm 2024, nhằm tạo ra sức răn đe mạnh mẽ đối với các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động liên quan an toàn thực phẩm, từ đó thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao ý thức của doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Việc nâng mức phạt nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý, giám sát và xử lý các hành vi vi phạm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo dựng niềm tin trong cộng đồng.

Được hỏi về đề xuất này, nhiều ý kiến đồng thuận rằng, việc nâng mức phạt là một phần trong chiến lược của Hà Nội nhằm thực hiện quyết liệt các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Nghị quyết này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện Luật Thủ đô, đồng thời tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra và xử lý hiệu quả hơn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Những năm gần đây, tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc và nhiễm hóa chất độc hại trở thành mối đe dọa lớn đối với sức khỏe người dân. Các vụ việc thực phẩm không đảm bảo chất lượng, như rau quả ngâm hóa chất, thực phẩm chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, hay thực phẩm bẩn trong các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, đã làm dấy lên sự lo ngại trong cộng đồng.

Mức phạt tăng lên không chỉ nhằm xử lý các hành vi vi phạm, mà còn tạo ra sức ép đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, buộc họ phải tuân thủ các quy định về chất lượng và nguồn gốc thực phẩm.

Hiện tại, theo các quy định tại Nghị định số 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, các hành vi vi phạm như sử dụng thiết bị, dụng cụ không đảm bảo vệ sinh, không tuân thủ quy trình vệ sinh trong chế biến, hoặc sử dụng nguồn nước không đảm bảo chất lượng bị phạt từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Các cơ sở không thực hiện đúng các quy định về kiểm thực ba bước hay lưu mẫu thức ăn có thể bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng.

Đặc biệt nghiêm trọng, các cơ sở sử dụng nhân viên chế biến thực phẩm mà không có giấy xác nhận tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm sẽ phải chịu mức phạt từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng. Những hành vi như sử dụng nước không đạt chuẩn hay không thực hiện thu gom, xử lý chất thải trong khu vực chế biến có thể bị phạt từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Ngoài ra, mức phạt có thể lên tới 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm, đặc biệt là trong trường hợp mức phạt này vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm.

Cần cụ thể hóa các giải pháp thực hiện

Mặc dù việc tăng mức xử phạt là cần thiết, các đại biểu cũng nhấn mạnh, cần bổ sung các biện pháp thực thi cụ thể. Cần thiết phải có phụ lục hướng dẫn chi tiết để dễ thực hiện và đảm bảo tính khả thi, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đường phố. Các cơ quan chức năng cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền cơ sở.

Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu và phân chia mức phạt cụ thể cho từng hành vi vi phạm, tránh tình trạng áp dụng mức phạt đồng loạt cho mọi trường hợp. Một số hành vi vi phạm không có tính chất nghiêm trọng, nhưng có thể bị xử phạt với mức quá cao, dẫn đến tiêu cực và ảnh hưởng đến quá trình thực thi.

Một vấn đề quan trọng được các đại biểu đề xuất là cần khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác giám sát và phát hiện hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Các hình thức như khen thưởng đối với cá nhân phát hiện hành vi vi phạm, hay thông qua đường dây nóng để báo cáo hành vi vi phạm tới cơ quan chức năng sẽ tạo ra một môi trường giám sát hiệu quả và minh bạch hơn.

Các ý kiến đều đồng thuận cho rằng, việc ban hành Nghị quyết về mức phạt đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm là hết sức cần thiết, giúp tăng cường hiệu quả quản lý và nâng cao ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.

Thiết nghĩ, để giảm vi phạm liên quan đến thực phẩm, các cơ quan chức năng cần triển khai các biện pháp thực thi phù hợp, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng. Điều này không chỉ tạo ra một môi trường sống an toàn, lành mạnh cho người dân, mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng một cách hiệu quả.

Dương Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-muc-phat-voi-hanh-vi-vi-pham-an-toan-thuc-pham-d242398.html
Zalo