Tang lễ Giáo hoàng Francis sẽ được tổ chức ngày 26/4
Lễ tang của Giáo hoàng Francis sẽ được cử hành vào ngày 26/4 tại Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Vatican.
Đây dự kiến sẽ là một buổi lễ trọng thể, quy tụ nhiều nguyên thủ và lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới.

Hồng y Kevin Farrell, Nhiếp chính của Phòng Tông tòa, chủ trì nghi thức chứng nhận sự ra đi của Giáo hoàng Francis, tại nhà nguyện Casa Santa Marta. (Nguồn: Getty Images)
Vatican thông báo rằng Giáo hoàng Francis, hưởng thọ 88 tuổi, đã về với Chúa vào ngày 21/4, do đột quỵ và ngừng tim.
Hồi đầu năm, Giáo hoàng Francis từng phải nhập viện 5 tuần vì viêm phổi kép, song ông đã trở lại Vatican gần một tháng trước và xuất hiện trước công chúng vào lễ Phục Sinh tại Quảng trường Thánh Peter.
Ngày 22/4, Vatican công bố hình ảnh Giáo hoàng Francis trong trang phục lễ, an nghỉ trong quan tài gỗ tại nhà nguyện Santa Marta, nơi ông sinh sống suốt 12 năm trên cương vị giáo hoàng. Đội cận vệ Thụy Sĩ đứng nghiêm trang 2 bên quan tài.
Thi hài của Giáo hoàng Francis sẽ được rước vào Vương cung thánh đường Thánh Peter vào lúc 9 giờ sáng 23/4 (giờ địa phương), dẫn đầu là các hồng y, để các tín hữu có thể đến viếng và tiễn biệt vị giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ Latinh.
Lễ tang sẽ chính thức bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng ngày 26/4 (giờ địa phương), được tổ chức ngay tại Quảng trường Thánh Peter, dưới bóng Vương cung thánh đường lịch sử.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, người từng có nhiều bất đồng quan điểm với Giáo hoàng Francis về chính sách nhập cư cho biết, ông cùng phu nhân sẽ đến Rome để dự lễ.
Ngoài ra, theo nguồn tin từ văn phòng Giáo hoàng, lễ tang cũng sẽ có sự hiện diện của Tổng thống Argentina Javier Milei (quê hương của Giáo hoàng Francis), Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Trong di chúc được công bố ngày 21/4, Giáo hoàng Francis bày tỏ mong muốn được an táng tại Vương cung thánh đường Đức Mẹ Maria ở Rome, thay vì Nhà thờ Thánh Peter, nơi an nghỉ của nhiều vị giáo hoàng tiền nhiệm. Đây là một quyết định hiếm hoi, mang tính phá vỡ truyền thống lâu đời của Tòa thánh.
Sự ra đi của Giáo hoàng Francis cũng đánh dấu sự khởi đầu của một loạt nghi lễ cổ xưa trong tiến trình chuyển giao quyền lực của Giáo hội Công giáo với 1,4 tỷ tín đồ.
Theo nghi lễ, Nhẫn Ngư phủ và con dấu chì của Giáo hoàng Francis, những biểu tượng quyền lực được dùng để niêm phong tài liệu chính thức, sẽ bị phá hủy để không ai khác có thể sử dụng.
Toàn bộ các hồng y có mặt tại Rome đã được triệu tập vào ngày 22/4, để bàn thảo trình tự các sự kiện trong những ngày tới, đồng thời đảm bảo các hoạt động thường nhật của Giáo hội được duy trì ổn định cho đến khi bầu ra người kế nhiệm.
Mật nghị bầu tân giáo hoàng thường diễn ra từ 15 đến 20 ngày sau khi người tiền nhiệm qua đời, đồng nghĩa với việc kỳ bầu cử lần này sẽ không diễn ra trước ngày 6/5.
Hiện có khoảng 135 hồng y đủ điều kiện tham gia cuộc bỏ phiếu kín, có thể kéo dài nhiều ngày, trước khi làn khói trắng bốc lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine, thông báo với thế giới rằng Giáo hội đã chọn được vị giáo hoàng mới.
Cho đến nay, vẫn chưa có ứng cử viên nổi bật nào được nhắc đến là người có khả năng kế nhiệm Giáo hoàng Francis.