Tăng khả năng sáng tạo từ sinh viên sư phạm

Sinh viên sư phạm (SVSP) là những giáo viên trong tương lai. Họ không những phải làm tốt vai trò truyền thụ tri thức khoa học, cung cấp kiến thức về xã hội, con người cho học sinh mà còn phải tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo để đảm bảo yêu cầu của giáo dục.

Chính vì vậy, năng lực sáng tạo không chỉ giúp họ giải quyết nhiệm vụ học tập trước mắt của ngành học mà còn có khả năng giải quyết những nhiệm vụ mang tính lâu dài của nghề nghiệp trong tương lai.

Sáng tạo từ giảng đường Sư phạm

TS. Nguyễn Thị Liên – Viện Nghiên cứu Sư phạm – Trường ĐHSP Hà Nội cho rằng năng lực sáng tạo là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của nhân cách, trong đó, mỗi người thông qua hoạt động lao động của mình, tạo nên những giá trị tinh thần, giá trị vật chất có tính mới, tính khác biệt đối với nhu cầu và lợi ích của sự phát triển bản thân.

Ở Việt Nam, vị trí vai trò của sáng tạo dù đã được nhấn mạnh trong Luật Giáo dục đến nay được nâng lên ở tầm chiến lược trong giáo dục phát triển con người của thế kỷ 21. Sáng tạo trở thành một trong những năng lực quan trọng nhất của con người nói chung và sinh viên sư phạm nói riêng.

Đối với giáo viên, nhờ năng lực sáng tạo, giáo viên tự ý thức, chủ động và tích cực tạo nên sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu, lợi ích và mục đích đa dạng, ngày càng tăng của sự phát triển con người và xã hội.

Có năng lực sáng tạo, giáo viên dễ dàng tiếp cận và sử dụng các phương pháp dạy học thích hợp để phát triển trí tưởng tượng phong phú của học sinh; giáo viên biết tạo ra một môi trường lớp học mới thú vị, cung cấp cho học sinh không gian kích thích sự nảy sinh ý tưởng, khám phá và thực hiện công việc học tập một cách tốt nhất.

SVSP là những giáo viên trong tương lai. Sáng tạo trở thành một trong những năng lực quan trọng nhất đối với SVSP, bởi năng lực sáng tạo không chỉ giúp họ giải quyết những nhiệm vụ học tập trước mắt của ngành học mà còn giúp họ có khả năng giải quyết những nhiệm vụ mang tính lâu dài của nghề nghiệp trong tương lai.

SVSP có năng lực sáng tạo ở mức độ nào. Làm thế nào để hình thành và phát triển năng lực sáng tạo cho SVSP là vấn đề được các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục luôn quan tâm.

Tăng cường năng lực sáng tạo cho sinh viên sư phạm

Thông qua trắc nghiệm TSD-Z về năng lực sáng tạo sinh viên sư phạm của TS. Liên cho thấy nhìn chung năng lực này ở mức trung bình, hơi nghiêng về phía dưới trung bình.

Có hơn 22% số sinh viên có điểm sáng tạo ở mức thấp và rất thấp. Chỉ có 0,4% sinh viên có điểm sáng tạo ở mức khá giỏi và không có sinh viên nào có điểm sáng tạo ở mức xuất sắc. Các mức độ này đều thấp hơn so với chuẩn của TSD-Z, trong đó, mức trên trung bình, khá và giỏi thấp hơn đáng kể so với chuẩn…

Vì vậy theo TS. Liên, để rèn luyện năng lực sáng tạo, cần quan tâm trang bị cho sinh viên những công cụ để họ có thể sáng tạo một cách hiệu quả. Trước hết thông qua tri thức.

Việc tạo nên ý tưởng, giải pháp sáng tạo cần đến sự huy động vốn sống, kiến thức rộng rãi, sâu sắc về nhiều lĩnh vực khác nhau trong xã hội, trong đó là vấn kiến thức người học cần có những tri thức về quá trình, quy luật, cơ chế của sáng tạo, những khó khăn trở ngại đối với hoạt động sáng tạo, vai trò ý nghĩa của sáng tạo đối với cá nhân và xã hội. Như vậy trong đào tạo sư phạm cho sinh viên, các trường sư phạm phải bổ sung tâm lí học sáng tạo.

Bên cạnh đó việc giúp sinh viên nắm vững các phương pháp sáng tạo giúp cho cá nhân đạt được mục đích của mình cũng vô cùng quan trọng.

Sinh viên cần nắm vững các phương pháp sáng tạo chủ yếu như: Cải tiến là việc đưa ra ý tưởng, giải pháp mới dựa trên cải biên, bổ khuyết ý tưởng, giải pháp cũ; Tổng hợp là việc kết hợp hai hay nhiều ý tưởng cũ, giải pháp cũ thành giải pháp mới hoàn thiện hơn; đổi hưởng là đột phá sáng tạo xuất hiện khi thay đổi quan điểm, cách tiếp cận vấn đề…

Trong các môn học, giảng viên cần sử dụng phương pháp “tập kích não” kích thích việc nảy sinh những ý tưởng “dũng cảm” vượt ra khỏi phạm vi để có những ý tưởng sáng tạo ở mức độc cao. Cần sử dụng “tư duy ngược chiều” để yêu cầu sinh viên tìm kiếm các cách giải quyết vấn đề bằng cách cấu trúc lại, sắp xếp lại xem xét và thay đổi sự vật, hiện tượng theo những cách khác nhau với câu hỏi hay nhiệm vụ đặt ra cho học…

Thông qua việc kết hợp hoạt động của hai bán cầu não phát triển sự liên tưởng, óc tưởng tượng của sinh viên. Đó là một trong những loạt hoạt động giúp hình thành tính độc đáo trong năng lực sáng tạo của sinh viên.

Phát triển tư duy sáng tạo cho sinh viên sư phạm thông qua việc sử dụng phương thức triển khai hoạt động giảng dạy theo cách “Học tập tình huống sư phạm” hay “Học tập xuất phát từ những ví dụ giải quyết vấn đề của giáo dục phổ thông” sẽ kích thích tính tích cực tự giải thích của người học và sau đó là sự khác biệt chất lượng của các tự giải thích ở họ.

Qua đó dần dần những thiếu hụt trong năng lực sử dụng/áp dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm mới, hoạt động tư duy giải quyết những vấn đề mới; cách nhìn nhận sự vật, hiện tượng, vấn đề một cách khác lạ và mới mẻ hơn so với cách nhìn nhận vốn đã quen thuộc trước đó hay khả năng liên tưởng xa và khả năng biến đổi thông tin đã thu nhận được theo một cách hoàn toàn khác với cái đã có sẵn quen thuộc trước đó ở sinh viên sẽ được nâng lên.

Ưu thế nổi trội mà chúng tôi nhận thấy ở SHCM mới này là: GV quan tâm tới tất cả HS trong lớp và giúp đỡ các em kịp thời. Thông qua việc nhận xét hoạt động học tập của các em, mỗi GV đều tự nhận thấy mặt hạn chế của mình trong tiết dạy để từ đó rút kinh nghiệm trong những tiết học sau. Như vậy, vừa đảm bảo cơ hội học tập cho tất cả mọi HS, vừa giúp GV nâng cao tay nghề mà tâm lý cả hai đều thoải mái, không bị áp lực như trước.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tang-kha-nang-sang-tao-tu-sinh-vien-su-pham-3909252-c.html
Zalo