Tăng kết nối ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống F&B
Ngành F&B Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng trung bình 10-12% hằng năm.
Năm 2023, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam đứng thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Philippins. Với dân số hơn 100 triệu người cùng tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam được ví như mảnh đất màu mỡ cho ngành nguyên liệu F&B.
Tính đến cuối năm 2023, Việt Nam có hơn 20.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành F&B, tăng 5% so với năm 2022, thể hiện sự mở rộng quy mô thị trường. Trong 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ông Huỳnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nguyên liệu thực phẩm Monova, chia sẻ: "Đây là ngành phát triển rất là nhanh vì khi xã hội phát triển bao nhiêu thì dịch vụ về công nghiệp ăn và uống sẽ phát triển theo bấy nhiêu. Như trong Covid, tất cả mọi thứ coi như đóng băng nhưng người ta không thể không ăn và không uống. Sau khi Covid thì người ta đổ xô ra tại vì thời gian Covid họ ở nhà quá lâu. F&B rất là rộng, không chỉ là các quán cafe, nhà hàng, mình đi từ khâu đóng gói món ăn từ nhà hàng và thứ hai là đóng gói mang về nhà, và thậm chí người ta có thể phục vụ ăn uống bất cứ lúc nào mà họ cần. Tức là hướng tới sự tiện lợi cho người ta, có thể ăn tiêu dùng bất cứ lúc nào mà người ta mong muốn. Càng ngày yếu tố tiện lợi nó quyết định trong chuyện F&B".
Xu hướng tiêu dùng mới đang tạo ra cơ hội lớn cho ngành F&B. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đòi hỏi sự đa dạng trong sản phẩm thực phẩm và đồ uống, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về các loại nguyên liệu, hương liệu đa dạng và độc đáo. Đặc biệt, sau đại dịch, xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm hữu cơ và thực phẩm chức năng đang mở ra những thị trường mới đầy tiềm năng cho ngành.
Các chuyên gia nhận định, bên cạnh thị trường nội địa, các hiệp định thương mại tự do như EVFTA và CPTPP đã mở ra cánh cửa rộng lớn cho việc xuất khẩu nguyên liệu thực phẩm và đồ uống Việt Nam sang các thị trường quốc tế tiềm năng.
Sở hữu lợi thế tự nhiên trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang là một trong 5 “giỏ thực phẩm” của thế giới, thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài vào F&B.
Thực phẩm đồ uống Việt Nam là một thị trường giàu tiềm năng khi mức tiêu thụ hàng năm luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng. Hiệp hội Lương thực và Thực phẩm TP.HCM FFA nhận định Việt Nam được ví như mảnh đất màu mỡ cho ngành nguyên liệu F&B.
Từ 9-11/10, Triển lãm quốc tế về nguyên liệu ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) tại Việt Nam 2024 sẽ diễn ra tại Trung tâm triển lãm Sài Gòn, quy tụ hơn 150 đơn vị trưng bày và dự kiến thu hút hơn 6.000 khách tham quan đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.