Tăng học phí khi tự chủ đại học cần tính toán thận trọng
'Việc tăng học phí đại học trong quá trình tự chủ cũng cần có lộ trình, tính toán cẩn thận, không thể có việc năm nay học phí 10 triệu, năm sau đã tăng lên 40 triệu. Các trường cần tính toán thận trọng vấn đề học phí, nếu tăng quá cao cũng sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh'.
Tự chủ đại học là một xu hướng tất yếu trong thời gian tới. Một trong những khó khăn lớn nhất của các trường khi tự chủ là giải quyết bài toán nguồn thu nhưng vẫn giữ chân được người học. Trong bối cảnh tự chủ đại học, các chính sách về hỗ trợ vốn vay cũng cần điều chỉnh để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên.
Tự chủ đại học: Nhiều trường buộc phải tăng học phí để bù đắp chi phí
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Đại học Thái Nguyên phân hiệu Lào Cai cho rằng, tự chủ đại học là một trong những khó khăn lớn của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay. Việc hiểu về tự chủ đại học chưa thực sự đầy đủ, mỗi đơn vị có một cách triển khai khác nhau, thậm chí trong quá trình thực hiện đã "cố nắn" việc tự chủ thành những điều không thực tế.
Theo PGS.TS Hoàng Văn Hùng, nếu như trước đây hoạt động của các trường đại học chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, thì khi chuyển sang tự chủ, ngân sách bị cắt giảm lại thêm việc các trường gặp lúng túng trong tuyển sinh, các chương trình nghiên cứu khoa học công nghệ ở địa phương kém sẽ tác động trực tiếp vào nguồn thu hàng năm.
Bên cạnh đó, khi tự chủ đại học, các trường cũng vướng phải những khó khăn liên quan đến các quy định khác của pháp luật như việc thuê đất, cơ sở vật chất, tài sản của nhà nước. Cũng bởi những khó khăn này, nhiều đơn vị sau khi xin tự chủ một vài năm đã xin rút không tự chủ tài chính nữa.
“Hiện nay, đầu tư từ ngân sách nhà nước vẫn là nguồn thu chính của các cơ sở giáo dục đại học, thứ 2 là nguồn thu học phí từ sinh viên. Còn lại các nguồn thu khác trong quá trình hoạt động đều rất thấp. Do đó, khi cắt giảm mức ngân sách, lại cộng thêm việc tuyển sinh tại nhiều trường không ổn định hàng năm, chưa đồng đều giữa các ngành dẫn đến khó khăn trong vấn đề tự chủ”, PGS.TS Hoàng Văn Hùng nói.
TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Đại học - ĐH Giao thông Vận tải cho rằng, với xu hướng tự chủ đại học, nhà nước sẽ cắt phần ngân sách chi tường xuyên cho các trường, do đó, nhiều trường đại học buộc phải tăng học phí để bù đắp chi phí. Điều này trước mắt sẽ gây khó khăn cho sinh viên, nhưng về lâu dài khi học phí đủ bù đắp, phần ngân sách này sẽ giúp nâng cao chất lượng giáo dục, trình độ giảng viên, năng lực các phòng thí nghiệm. Việc tự chủ đại học do đó cũng sẽ giúp xã hội được hưởng lợi nhiều hơn khi có thế hệ nguồn nhân lực chất lượng.
"Với Trường ĐH Giao thông vận tải, hiện nay chưa tự chủ, nên mức học phí khá hấp dẫn với thí sinh. Từ năm 2025, trường chuyển sang giai đoạn tự chủ. Tuy nhiên, trường cũng sẽ có những đánh giá để đưa ra các giải pháp đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động, tăng học phí là một giải pháp nhưng không phải giải pháp đầu tiên.
Chúng tôi đang đánh giá tính toán nhiều nguồn lực khác, cũng như tính đến khả năng chi trả của sinh viên khi đa phần sinh viên của trường thuộc khu vực nông thôn. Trường ĐH Giao thông vận tải sẽ rất thận trọng trong vấn đề học phí”, TS Phạm Thanh Hà Nói.
Trưởng phòng Đào tạo – Trường ĐH Giao thông vận tải cũng cho rằng, việc tăng học phí đại học trong quá trình tự chủ cũng cần có lộ trình, tính toán cẩn thận, không thể có việc năm nay học phí 10 triệu, năm sau đã tăng lên 40 triệu. Các trường cần tính toán thận trọng vấn đề học phí, nếu tăng quá cao cũng sẽ ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh, nhìn chung không có lợi cho các trường.
Học phí tăng, mức hỗ trợ vốn vay sinh viên thấp
Trong bối cảnh học phí đại học tăng mạnh thời gian qua, nhiều sinh viên phản ánh đã tìm đến các nguồn tín dụng vốn vay sinh viên, song mức vay lại chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu học tập và sinh hoạt ở thành phố.
PGS.TS Hoàng Văn Hùng, Giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, chính sách về vốn tín dụng cho vay ưu đãi với sinh viên đã được triển khai ở nhiều nước. Tại Việt Nam, sau 17 năm triển khai, chính sách cũng tạo ra những chuyển biến tích cực trong sinh viên. Để các em tiếp cận tốt nguồn vốn này trong quá trình học tập, đặc biệt là sinh viên vùng khó khăn, cần khắc phục một số vấn đề tồn tại trong thực tế như nguồn vốn cho vay ít, ngân hàng đưa ra quá nhiều cơ chế, điều kiện ràng buộc khiến sinh viên khó tiếp cận nguồn vốn vay, nhất là những em ở khu vực miền núi.
Bên cạnh đó, khi triển khai cũng chưa có sự phối hợp, cam kết chặt chẽ giữa ngân hàng, nhà trường và địa phương để khi có rủi ro có thể giải quyết vấn đề nợ và thu hồi nợ dễ dàng.
Còn theo TS Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng Đào tạo – Trường ĐH Thủy lợi, mức cho vay theo các quỹ tín dụng hỗ trợ sinh viên hiện nay vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Mức hỗ trợ đưa ra dựa theo quy định về học phí, song trên thực tế sinh viên còn cần trang trải một khoản lớn hơn đến từ chi phí sinh hoạt hàng tháng. Cũng vì mức hỗ trợ khiêm tốn, nên nhiều sinh viên không có nhu cầu tiếp cận vốn vay. Chỉ khi nào mức vốn vay được nâng cao, đảm bảo được cả chi phí sinh hoạt và học phí, khi đó mới thực sự hấp dẫn với sinh viên.
“Vấn đề nằm ở chính sách còn nhiều vướng mắc, không phải sinh viên không có nhu cầu. Nhiều em muốn vay vốn, nhưng thủ tục để hưởng hỗ trợ phức tạp, mức cho vay thấp nên các em thường tìm những giải pháp khác”, TS Trần Khắc Thạc nói.