Tăng hiệu quả nguồn lực đầu tư qua 'tai mắt' của người dân

Giám sát đầu tư của cộng đồng không chỉ là một kênh kiểm tra độc lập hữu hiệu mà còn thể hiện quyền làm chủ của người dân trong quá trình triển khai các dự án đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng công trình, giảm thiểu lãng phí ngân sách. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả thực sự, công tác giám sát vẫn cần tháo gỡ nhiều bất cập từ cơ chế đến năng lực thực thi tại cơ sở.

Sự giám sát của nhân dân góp phần phát hiện và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn lực.Ảnh: Chí Thanh

Sự giám sát của nhân dân góp phần phát hiện và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn lực.Ảnh: Chí Thanh

Giám sát từ cơ sở - kênh phản biện tích cực và thiết thực

Theo tổng hợp báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư của Bộ Tài chính, năm 2024 có 43 địa phương thực hiện tổng hợp và báo cáo đầy đủ công tác giám sát đầu tư của cộng đồng trên Hệ thống thông tin điện tử. Dù vẫn còn một số địa phương chưa có số liệu, nhưng kết quả đạt được đã phần nào phản ánh rõ vai trò quan trọng của người dân trong theo dõi, kiểm tra các hoạt động đầu tư công và đầu tư tại cơ sở.

Hạn chế những tác động tiêu cực, lãng phí ngân sách

Công tác giám sát đầu tư của cộng đồng đã góp phần phản ánh đến các cơ quan chức năng những vụ việc cần phải chấn chỉnh, xử lý, kiến nghị; những vụ việc làm ảnh hưởng chất lượng công trình, an toàn, vệ sinh môi trường, đời sống của nhân dân, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực, lãng phí ngân sách, tiền của của nhà nước và nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư các dự án.

Cụ thể, tổng hợp số liệu báo cáo của 43 địa phương, có 25.576 dự án đã được giám sát đầu tư của cộng đồng. Trong đó, 17.777 dự án sử dụng vốn và đóng góp của cộng đồng, vốn ngân sách cấp xã và tài trợ trực tiếp cho xã; 6.731 dự án là đầu tư công, sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công hoặc đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP); 1.068 dự án sử dụng các loại vốn khác.

Từ hoạt động giám sát, người dân đã phát hiện 677 dự án có vi phạm. Đáng chú ý, 441 dự án đã được cơ quan chức năng thông báo kết quả xử lý, trong đó 635 dự án đã được chủ đầu tư khắc phục vi phạm theo yêu cầu. Đây là những con số cho thấy hiệu quả rõ nét của hoạt động giám sát từ cơ sở, góp phần giúp các dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, an toàn kỹ thuật và vệ sinh môi trường.

Thực tiễn cho thấy, giám sát đầu tư của cộng đồng đã và đang trở thành “tai mắt” của xã hội trong quá trình triển khai các công trình, dự án. Nhờ sự tham gia của người dân - những người hiểu rõ nhất về điều kiện địa phương, nhu cầu thiết thực và ảnh hưởng của dự án đến đời sống, nhiều vụ việc bất cập đã được phát hiện, phản ánh và đã được yêu cầu chấn chỉnh kịp thời.

Thông qua các ban giám sát đầu tư cộng đồng, nhiều kiến nghị đã được gửi tới các cơ quan có thẩm quyền nhằm xử lý sai phạm về chất lượng thi công, sai lệch thiết kế, lãng phí vật tư, ảnh hưởng đến môi trường và quyền lợi chính đáng của người dân. Không chỉ dừng lại ở việc ngăn ngừa tiêu cực, hình thức giám sát này còn giúp nâng cao tinh thần trách nhiệm của các chủ đầu tư, đơn vị thi công và chính quyền địa phương.

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư công ngày càng lớn, số lượng dự án dàn trải, đội ngũ giám sát Nhà nước không đủ sâu sát từng công trình nhỏ, thì giám sát của nhân dân chính là lực lượng “tiền tiêu” phát hiện và ngăn chặn các hành vi tiêu cực, giảm thiểu thất thoát, lãng phí nguồn lực.

Vẫn còn bất cập từ cơ sở

Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác giám sát đầu tư của cộng đồng hiện vẫn bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt ở cấp cơ sở.

Trước hết, một số nơi cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức đến hoạt động giám sát của cộng đồng, dẫn đến việc ban giám sát hoạt động còn mang tính hình thức. Ở một số xã, phường, thị trấn, hoạt động của ban giám sát đầu tư cộng đồng còn lúng túng, thậm chí có nơi thực hiện giám sát sai chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đáng chú ý, nhiều thành viên trong ban giám sát còn ngại va chạm, thiếu bản lĩnh phản biện, dẫn đến việc không phản ánh đầy đủ những bất cập trong quá trình triển khai dự án. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia giám sát cũng chưa mạnh mẽ, chưa tạo được phong trào chung.

Một vướng mắc lớn là ban giám sát đầu tư của cộng đồng trình độ chuyên môn còn hạn chế, phần lớn là cán bộ bán chuyên trách, không được trang bị phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ giám sát. Việc tiếp cận thông tin dự án còn khó khăn, thiếu tài liệu kỹ thuật, khiến việc giám sát chủ yếu mang tính trực quan, dễ bị qua mặt hoặc không đủ cơ sở để đưa ra kiến nghị xác đáng.

Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho hoạt động giám sát rất thấp, chưa đủ động viên các thành viên tham gia tích cực, dẫn đến tình trạng hoạt động cầm chừng, hình thức.

Khi dân biết, dân bàn, dân kiểm tra - đầu tư mới hiệu quả

Để khắc phục các tồn tại trên, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ban giám sát đầu tư của cộng đồng.

Trước hết, cấp ủy và chính quyền các cấp cần quán triệt nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của ban giám sát đầu tư cộng đồng, coi đây là một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị cơ sở. Cần thường xuyên kiện toàn tổ chức, lựa chọn những người có năng lực, có tinh thần trách nhiệm và am hiểu thực tiễn để tham gia ban giám sát.

Tiếp theo, Mặt trận Tổ quốc các cấp cần tổ chức tập huấn, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời hướng dẫn hoạt động giám sát cụ thể, phù hợp từng loại dự án. Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện để ban giám sát được tiếp cận đầy đủ thông tin dự án, được bố trí kinh phí, phương tiện làm việc cần thiết.

Đặc biệt, cần khuyến khích người dân có trình độ chuyên môn về xây dựng, kỹ thuật, pháp luật tham gia giám sát. Mặt trận cấp xã phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia để nâng cao tính đại diện và khách quan cho hoạt động này.

Công tác giám sát đầu tư của cộng đồng không chỉ là biện pháp tăng cường hiệu quả đầu tư, mà còn là biểu hiện sinh động của quyền làm chủ nhân dân. Trong bối cảnh hiện nay, khi yêu cầu về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ngày càng được đề cao, việc phát huy sức mạnh giám sát từ cơ sở sẽ là chìa khóa quan trọng để bảo đảm mỗi đồng vốn đầu tư mang lại hiệu quả thực chất.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, muốn làm được điều đó, bên cạnh chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, điều cốt lõi là phải trao cho người dân công cụ, thông tin và quyền lực thực sự để giám sát, chứ không chỉ là hình thức. “Khi nhân dân được tin tưởng, được tạo điều kiện và được khuyến khích, giám sát đầu tư của cộng đồng sẽ không còn là một nhiệm vụ phụ, mà trở thành “lá chắn” vững chắc bảo vệ tài sản công bằng chính con mắt tỉnh táo và trái tim trách nhiệm của người dân” - ông Long cho biết.

Quảng Ninh: Gắn trách nhiệm với thực chất trong giám sát đầu tư từ cơ sở

Thực hiện giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của Luật Đầu tư công và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập 774 ban giám sát đầu tư của cộng đồng với tổng số 4.191 thành viên tham gia.

Theo thống kê, các ban giám sát đã tổ chức 1.131 cuộc giám sát thực tế tại cơ sở, tập trung vào tiến độ, chất lượng công trình, an toàn lao động, vệ sinh môi trường và tác động đến đời sống dân cư. Qua đó, đã phát hiện và kiến nghị xử lý 184 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, giúp các chủ đầu tư và nhà thầu kịp thời khắc phục, tránh gây thất thoát, lãng phí nguồn lực.

Hoạt động giám sát từ cơ sở không chỉ góp phần bảo đảm hiệu quả đầu tư, mà còn tăng cường quyền làm chủ của người dân - những người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi dự án. Quảng Ninh cũng là địa phương đi đầu trong việc công khai thông tin dự án đến cộng đồng, phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc và chính quyền các cấp để hỗ trợ hoạt động giám sát ngày càng bài bản, thực chất.

Vân Hà

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-hieu-qua-nguon-luc-dau-tu-qua-tai-mat-cua-nguoi-dan-180050.html
Zalo