Tăng hiệu quả, giảm phát thải từ mô hình sản xuất lúa SRI

Vụ xuân 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội phối hợp với các địa phương triển khai mô hình cấy máy ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) theo hướng hữu cơ, giảm phát thải.

Trước đó, mô hình sản xuất lúa SRI (đối với lúa cấy) được triển khai cho thấy, cây trồng ít bị sâu bệnh, sinh trưởng, phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao và giảm ô nhiễm môi trường...

Kiểm tra chất lượng giống lúa cải tiến SRI tại xã Liên Mạc (huyện Mê Linh). Ảnh: Tùng Nguyễn

Kiểm tra chất lượng giống lúa cải tiến SRI tại xã Liên Mạc (huyện Mê Linh). Ảnh: Tùng Nguyễn

Từ năm 2003, mô hình cấy lúa thâm canh SRI, giảm phát thải được Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến (huyện Mỹ Đức) thực hiện. Mô hình này có ưu điểm giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà hiệu quả cao. Do đó, vụ xuân năm nay, hợp tác xã triển khai cấy lúa SRI đạt 100% diện tích (530ha). Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Hợp Tiến Nguyễn Hà Tuyển cho biết, sản xuất lúa theo hướng SRI, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng do nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tiết kiệm chi phí sản xuất do sử dụng giống chỉ tốn 5-6 lạng/sào.

Hiểu ưu điểm của mô hình, vụ xuân 2025, lần đầu tiên ngành Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ huyện Mê Linh tổ chức mô hình cấy máy ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI theo hướng hữu cơ, giảm phát thải. Ông Lưu Bá Tiếp ở xã Liên Mạc (huyện Mê Linh) chia sẻ, vụ xuân 2025, gia đình ông trồng 8 sào lúa giống mới TBR225 có năng suất cao, chất lượng tốt. Được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh, gia đình ông áp dụng cấy máy ứng dụng SRI theo hướng hữu cơ, giảm phát thải...

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh Nguyễn Thị Chinh cho biết, từ năm 2022, Mê Linh đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc đến thu hoạch với tổng diện tích gần 1.000ha. Trong đó, mô hình cấy máy kết hợp hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI theo hướng hữu cơ, giảm phát thải lần đầu tiên được ngành Nông nghiệp triển khai trên quy mô 50ha tại xã Liên Mạc. Đến nay, diện tích lúa triển khai theo phương pháp này đều sinh trưởng, phát triển tốt.

Về lĩnh vực này, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng thông tin: Hiện nay, diện tích sản xuất lúa của toàn thành phố đạt 160.000ha, trong đó, ứng dụng SRI chiếm hơn 70% tổng diện tích; ứng dụng toàn phần, đầy đủ biện pháp SRI chiếm khoảng 10%, tập trung ở các huyện: Mỹ Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Thạch Thất...

Vụ xuân 2025 cũng là năm đầu tiên Chi cục phối hợp với Mê Linh đưa máy cấy vào sản xuất lúa SRI theo hướng hữu cơ, phát thải thấp. Thực hiện mô hình này, thành phố hỗ trợ 50% chi phí mua sắm máy móc, thiết bị cơ giới hóa sản xuất lúa; hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón và công cấy đối với mô hình như SRI. Ngoài ra, nông dân được tham gia các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất lúa theo hướng SRI...

Thực tế cho thấy, áp dụng mô hình SRI giúp giảm chi phí sản xuất lúa khoảng 7-8 triệu đồng/ha, tăng năng suất 18-20% so với phương pháp truyền thống; cây lúa cứng, khỏe hơn, ít bị đổ ngả trong điều kiện mưa bão, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh mới xuất hiện; giảm 30% nhu cầu nước tưới ruộng so với canh tác truyền thống; đồng thời việc không giữ nước ngập mặt ruộng thường xuyên đã hạn chế phát thải khí nhà kính, góp phần bảo vệ môi trường...

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, nhằm thúc đẩy tăng trưởng chung kinh tế Thủ đô năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, vụ xuân 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ triển khai mô hình cấy máy ứng dụng hệ thống SRI theo hướng hữu cơ, giảm phát thải. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình, thành phố nghiên cứu nhân rộng, phấn đấu đến năm 2030 có 90% diện tích lúa ứng dụng SRI, trong đó khoảng 15-20% diện tích sản xuất lúa ứng dụng SRI toàn phần. Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành, từng bước thay đổi phương thức trồng trọt theo hướng giá trị gia tăng, hướng tới mục tiêu phát thải thấp...

Để tiếp tục nhân rộng mô hình cấy máy ứng dụng hệ thống SRI, các địa phương cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ngành Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục phối hợp với các địa phương thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nâng cao nhận thức cho người dân về cấy lúa ứng dụng hệ thống SRI nhằm tăng hiệu quả kinh tế hơn nữa và thích ứng biến đổi khí hậu…

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-hieu-qua-giam-phat-thai-tu-mo-hinh-san-xuat-lua-sri-700025.html
Zalo