Tăng hiệu quả các mô hình kinh tế kết hợp với bảo vệ rừng

Sóc Trăng có trên 10.000 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ ven biển chiếm gần 7.000 ha, tập trung chủ yếu tại huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.

Tổ chức phát quang, dọn dẹp thực bì để phòng cháy rừng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Tổ chức phát quang, dọn dẹp thực bì để phòng cháy rừng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Nhằm đảm bảo việc quản lý và bảo vệ rừng, ngành chức năng tỉnh đang tập trung nhiều giải pháp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh phát triển diện tích trồng rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cây phân tán trên địa bàn; chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và bảo vệ rừng, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả dưới tán rừng.

Theo ông Ngô Chí Điện, Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2024 đến nay, diện tích rừng phòng hộ được trồng 20,14 ha, đối với rừng sản xuất, diện tích trồng lại sau khai thác 279,89ha và trồng cây phân tán 1.806.789. Dự kiến từ nay đến cuối năm 2025, Chi cục sẽ phối hợp với ngành chức năng tiến hành trồng khoảng 300 ha rừng gồm100 ha rừng phòng hộ, 200 ha rừng sản xuất và trên 1.100 cây phân tán.

Cũng theo ông Điện, để quản lý và bảo vệ rừng phòng hộ đơn vị đã xây dựng một số mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng kết hợp với bảo vệ rừng bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế, ổn định đời sống cho người dân tham gia. Thời gian tới sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, hướng tới quản lý, bảo vệ bền vững tài nguyên rừng ở Sóc Trăng.

Ông Ngô Chí Điện cho biết: Hiện tại, chi cục tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về quản lý bảo vệ rừng cho người dân, giám sát chặt chẽ diễn biến rừng giao các chủ rừng và các công trình đang thi công có ảnh hưởng đến rừng phòng hộ. Đồng thời, kiểm tra quản lý bảo vệ rừng tại các khu vực rừng phòng hộ, phối hợp với các cơ quan Công an, Quân sự, Biên phòng tăng cường tuần tra nhằm phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả việc phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Tại huyện Cù Lao Dung, địa phương thường xuyên bị chịu ảnh hưởng của tình hình sạt lở bờ sông, bờ đê. Những năm qua, địa phương thường xuyên tổ chức trồng rừng dưới chân đê bao, xây dựng các phương án bảo vệ rừng phòng hộ nhằm giảm thiểu rủi ro do tình hình sạt lở diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Đắc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Cù Lao Dung cho biết, tổng diện tích rừng địa phương là 1.940,46 ha, trong đó rừng phòng hộ ven biển 1.790,46 ha, rừng ven sông 150 ha, tỷ lệ che phủ rừng 5,52%. Thời gian qua, ngành chức năng tiến hành các buổi tập huấn cho những hộ sống ven rừng về bảo vệ rừng, đồng thời triển khai nhiều mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng như mô hình nuôi ba khía, ốc len, cua,… đem lại thu nhập ổn định cho người dân từ đó giúp người dân an tâm bảo vệ rừng.

Cũng theo ông Đắc, từ năm 2024 đến nay huyện trồng được trên 10.000 cây bần, cây mắm, với diện tích tương đương 4 ha ở các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng của sạt lở như, xã An Thạnh Đông và xã Đại Ân 1. Bên cạnh đó, cũng kêu gọi người dân ở khu vực này chung tay bảo vệ rừng nhằm giảm nhẹ tác động của thiên tai gây ra.

Ông Nguyễn Văn Thử, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho hay, tại lễ Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” năm 2025 diễn ra tại huyện Thạnh Trị có hơn 3000 cây phân tán sẽ được trồng tại huyện Thạnh Trị và các địa phương khác; tỉnh luôn xác định việc trồng cây xanh là việc làm quan trọng, gắn liền với phát triển kinh tế văn hóa xã hội.

Cũng theo ông Thử, việc trồng cây phân tán, trồng rừng có vai trò quan trọng trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của nhân dân. Cùng với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, do vậy việc bảo vệ môi trường sinh thái hết sức quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển bền vững, bảo vệ cuộc sống của người dân.

Tỉnh Sóc Trăng có trên 10.000 ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ ven biển chiếm gần 7.000 ha ha, tập trung chủ yếu tại huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Hiện nay đai rừng phòng hộ tại Sóc Trăng ngày càng mỏng dần, đe dọa đến hệ thống đê biển và sản xuất nông nghiệp vùng ven biển nguyên nhân thiếu phù sa bồi lấn ven biển cùng tác động của các đợt triều cường dâng cao kết hợp sóng biển.

Thời gian tới, Sóc Trăng tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Cùng đó, phát triển kinh tế lâm nghiệp với các mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng, như: mô hình nuôi ba khía, ốc len, cua,… vừa đáp ứng yêu cầu bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng, vừa phát huy tiềm năng, giá trị tài nguyên của rừng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty lâm nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý và bảo vệ rừng.

Tuấn Phi (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tang-hieu-qua-cac-mo-hinh-kinh-te-ket-hop-voi-bao-ve-rung-20250520081649528.htm
Zalo