Ý kiến của chuyên gia tâm lý giáo dục

Chuyên gia tâm lý giáo dục Nông Thị Nguyệt trao đổi về việc một trường Tiểu học tại TP Hồ Chí Minh tặng giấy khen cho học sinh dựa trên số tiền quyên góp ủng hộ đồng bào miền Bắc chịu ảnh hưởng bão lũ mà các học sinh đã đóng.

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh

Phản ứng của cộng đồng

Theo đó, trong giờ chào cờ đầu tuần vừa qua Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức trao giấy khen cho học sinh tham gia đợt vận động ủng hộ đồng bào miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

Theo thông tin từ phía nhà trường, học sinh được chia thành hai nhóm để nhận khen thưởng. Những em đóng góp từ 100.000 đồng trở lên sẽ nhận được giấy khen do hiệu trưởng ký, những học sinh đóng góp dưới 100.000 đồng chỉ nhận được thư khen do giáo viên chủ nhiệm ký.

Cách làm này của trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã ngay lập tức gây ra phản ứng tiêu cực từ phía phụ huynh và cộng đồng. Nhiều người cho rằng, việc phân biệt đối xử dựa trên số tiền đóng góp của học sinh là không phù hợp, đặc biệt trong môi trường giáo dục.

Nhiều phụ huynh cho rằng, hình thức khen thưởng này là phản giáo dục, có thể gây tổn thương tâm lý cho học sinh và tạo ra sự phân biệt không cần thiết giữa các em học sinh.

Đối mặt với làn sóng phản đối của dư luận, đại diện lãnh đạo trường Tiểu học Lê Quý Đôn đã lên tiếng giải thích, là: "Lý do chính là do số lượng giấy khen quá nhiều, trong khi hiệu trưởng đang đi công tác nên không thể ký hết được".

Tác động xấu đến môi trường giáo dục

Chuyên gia Tâm lý giáo dục Nông Thị Nguyệt cho rằng, việc làm của trường Tiểu học Lê Quý Đôn là không nên vì nhà trường là cơ sở giáo dục, nơi đào tạo thế hệ trẻ tương lai, hiền tài và nguyên khí quốc gia. Việc dùng giá trị lớn, nhỏ của đồng tiền để phân biệt đối xử với học sinh giàu, nghèo đã làm tổn thương các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, là phi giáo dục. Ở độ tuổi tiểu học, trẻ em rất nhạy cảm với những sự so sánh và đánh giá từ người lớn. Việc nhận được hình thức khen thưởng khác nhau có thể tạo ra những tổn thương tâm lý khó lường

Việc phân biệt đối xử trong khen thưởng có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý của học sinh như, tao ra cảm giác tự ti cho những em có đóng góp ít hơn, gây áp lực không cần thiết về tài chính cho gia đình học sinh và làm giảm động lực tham gia các hoạt động xã hội trong tương lai.

Cùng với đó, cách thức khen thưởng này cũng có thể tạo ra những quan niệm sai lệch về giá trị trong xã hội như: đánh đồng giá trị của con người với khả năng tài chính, tạo ra tư tưởng rằng tiền bạc có thể mua được sự công nhận và danh dự, làm mờ nhạt ý nghĩa thực sự của việc làm từ thiện và giúp đỡ cộng đồng.

Điều này đi ngược lại với những giá trị mà nền giáo dục đang cố gắng xây dựng, như lòng nhân ái, tinh thần tương thân tương ái, và giá trị của mỗi cá nhân không phụ thuộc vào điều kiện kinh tế.

Qua sự việc này, chúng ta thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng một môi trường giáo dục công bằng, nơi mọi học sinh đều được đánh giá dựa trên nỗ lực và thành tích thực sự của mình.

Huy Chương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tang-giay-khen-hoc-sinh-gop-tien-bao-lu-tac-dong-xau-moi-truong-giao-duc.html
Zalo