Tăng giá xe buýt tác động thế nào tới người dân?

Từ năm 2014 đến nay, sau 10 năm, giá vé xe buýt mới được điều chỉnh tăng. Việc điều chỉnh giá vé sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố, tạo điều kiện nâng cao chất lượng loại hình vận tải hành khách công cộng.

Bắt đầu từ tháng 11/2024, giá vé của 132 tuyến xe buýt Hà Nội sẽ tăng từ 1.000 đến 11.000 đồng mỗi lượt, tùy thuộc cự ly, loại vé và diện ưu tiên.

Là hành khách thường xuyên lựa chọn xe buýt để đi làm, chị Mai Thị Họa My, một nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân không bất ngờ khi biết vé xe buýt sắp tăng giá. Chị cho rằng mức tăng lần này chấp nhận được, bởi giá tăng không quá cao, nhất là đi xe buýt bằng vé tháng như chị.

Chị Mai Thị Họa My chia sẻ: "Tôi đi xe buýt thường xuyên như đi làm, đi chơi, nếu giá như bây giờ thì rất có lợi, sắp tới tăng lên 280.000 thì tôi vẫn lựa chọn xe buýt vì mọi thứ đều tăng thì việc tăng giá này tôi vẫn chấp nhận được”.

Còn với Vũ Đăng Huy Hòa, một sinh viên Đại học Bách Khoa lại khác. Mặc dù nhà trường khuyến khích sinh viên tích cực đi xe buýt làm căn cứ để xếp loại kết quả rèn luyện, tuy nhiên do vừa chuyển trọ về gần trường, quãng đường đi học ngắn lại, khi biết tin xe buýt tăng giá sắp tới Hòa quyết chuyển sang đi xe máy để việc đi lại được chủ động hơn.

Bạn Vũ Đăng Huy Hòa chia sẻ: “Với em thì tăng giá xe buýt khá ảnh hưởng với em. Đi xe buýt do đường đông hay tắc đường vì thế em sẽ chuyển sang phương tiện khác, em đi xe máy cho tiện. Nhất là tăng giá khá đắt từ 9.000 lên 20.000, em thấy đi xe máy sẽ thoải mái hơn nhiều”.

Theo ghi nhận, việc tăng giá vé xe buýt cũng khiến nhiều người có ý định chuyển sang đi phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, cũng có người cho rằng đây là mức tăng hợp lý với sự phát triển kinh tế.

Việc tăng giá vé xe buýt cũng khiến nhiều người có ý định chuyển sang đi phương tiện cá nhân.

Việc tăng giá vé xe buýt cũng khiến nhiều người có ý định chuyển sang đi phương tiện cá nhân.

Với nhóm học sinh, sinh viên, người không trong diện được ưu đãi là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất thì đa phần ý kiến cho rằng việc tăng giá lần này không ảnh hưởng gì đáng kể, tuy nhiên họ kỳ vọng chất lượng dịch vụ trên xe buýt sẽ được cải thiện hơn so với trước đây.

Bạn Đặng Minh Châu, sinh viên Đại học Hà Nội cho hay: “Em mong muốn tăng thêm chất lượng dịch vụ và cải thiện nhiều phần hơn, nhất là chất lượng phục vụ, cải thiện chất lượng nhân viên và trang thiết bị trên xe”.

Hiện tại, giá vé đang áp dụng cho xe buýt có trợ giá đã được ban hành từ năm 2014. Đến nay, sau gần 10 năm, mọi chi phí đầu vào của xe buýt như: nhiên liệu, nhân công, phương tiện… đều đã tăng mạnh. Đơn giá trung bình cho mỗi cây số vận hành của xe buýt đã tăng gần 47%. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người của Hà Nội cũng đã tăng 75%. Chính vì thế, thời điểm này là phù hợp để quyết định điều chỉnh giá xe buýt mới.

Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết: "Chúng tôi khảo sát khách hàng, mọi người đều đồng tình, vì mức thu nhập tăng lên thì sự điều chỉnh không ảnh hưởng nhiều đến việc chi trả cho dịch vụ công cộng nên khách hàng vẫn sẽ lựa chọn đi xe buýt. Một hai tháng đầu sau khi áp dụng giá vé xe buýt mới, lượng khách có thể giảm một chút nhưng sau 3 tháng sẽ khôi phục trở lại.”

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế, xe buýt là loại hình vận tải hành khách công cộng không đặt mục tiêu lợi nhuận nên chính sách hỗ trợ giá vé cho các tuyến buýt được triển khai nhiều năm nay, chưa kể chính sách miễn tiền vé xe buýt cho người có công, người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo chính, bởi vậy tăng giá xe buýt cũng làm giảm bớt gánh nặng đối với ngân sách thành phố góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ.

"Theo tính toán dự kiến dựa trên sản lượng của năm 2023 thì một năm với mức tăng giá vé như thế này thì ngân sách thành phố sẽ thu được thêm gần 300 tỷ đồng để tạo thuận lợi cho việc chúng tôi sử dụng lên nguồn ngân sách để nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng là xe buýt", bà Trần Thị Phương Thảo cho biết thêm.

Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn từ 2031 - 2035 sẽ thay thế xe buýt chạy bằng dầu diesel sang 100% xe buýt điện. Việc tăng giá xe buýt cũng sẽ là tiền đề để thực hiện mục tiêu này và di chuyển bằng xe buýt vẫn cần được khuyến khích, đó là cách để Thủ đô bớt ô nhiễm và cũng là cách để Hà Nội ngày càng văn minh, sạch đẹp.

Đức Chung

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tang-gia-xe-buyt-tac-dong-the-nao-toi-nguoi-dan-273055.htm
Zalo