Tăng cường vốn tự nhiên là chìa khóa cho tăng trưởng xanh
Đây là nhận định được đưa ra trong một bài viết đăng tải trên trang web của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Bài viết được thực hiện bởi bà Yoko Watanabe, Giám đốc phụ trách môi trường, Bộ phận Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững của ADB, cùng các chuyên gia kinh tế cao cấp.
Trong đó, các chuyên gia cho rằng, vai trò của thiên nhiên trong tăng trưởng xanh không thể bị bỏ qua. Việc kết hợp các cân nhắc về vốn tự nhiên vào chiến lược tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển là điều cần thiết để bảo vệ môi trường.
Một nghiên cứu gần đây được thực hiện để so sánh mức tăng trưởng GDP của 34 quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 1995 - 2018 với sự thay đổi về vốn tự nhiên tái tạo đã phát hiện rằng, 24 quốc gia đã trải qua tăng trưởng xanh, trong khi 10 quốc gia đã ghi nhận mức suy giảm. Đáng chú ý, các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng vốn tự nhiên lớn nhất là Uzbekistan, Campuchia, Quần đảo Solomon, Myanmar, Việt Nam và Ấn Độ.
Bên cạnh đó, việc so sánh những thay đổi trong vốn tự nhiên và GDP cũng có thể cho thấy “mức độ xanh” của tăng trưởng. “Có thể lập luận rằng, vốn tự nhiên tăng càng nhiều trên mỗi đơn vị tăng trưởng GDP, thì tăng trưởng càng xanh”, các chuyên gia nhấn mạnh.
Ngoài ra, tăng trưởng xanh hiệu quả không chỉ phụ thuộc vào việc tăng cường vốn tự nhiên, mà còn phụ thuộc vào việc giảm phát thải thông qua các chiến lược hiệu quả, tiết kiệm chi phí. Một thông điệp nổi lên từ nghiên cứu này là mức độ xanh cần có sự tăng trưởng hiệu quả so với lượng khí thải nhà kính, cũng như tăng giá trị của các hình thức vốn tự nhiên khác. Việc loại bỏ dần các nguồn phát thải cao như than và thay thế chúng bằng năng lượng tái tạo sẽ giúp giảm lượng khí thải trên một đơn vị GDP, nhưng việc chuyển đổi này phải hiệu quả về mặt chi phí.
Hơn nữa, việc tăng hiệu quả sử dụng năng lượng hóa thạch cũng sẽ làm tăng mức độ xanh của tăng trưởng. Các chính sách khác thúc đẩy tăng trưởng xanh bao gồm giảm áp lực khai thác vốn tự nhiên bằng cách tăng năng suất nông nghiệp và tăng lợi nhuận từ bảo tồn rừng thông qua tín dụng carbon và đa dạng sinh học.
Khu vực tư nhân cũng có vai trò thúc đẩy mức độ xanh của tăng trưởng. Vai trò của khu vực này sẽ rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang một tương lai ít carbon. Nhưng điều này sẽ cần những chính sách khuyến khích phù hợp, như trợ cấp cho năng lượng sạch với chi phí tiềm năng thấp, cũng như các biện pháp hạn chế dưới hình thức thuế carbon hoặc công cụ tương tự để hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Qua đó, vai trò của khu vực tư nhân trong việc thu giữ carbon và bảo tồn đa dạng sinh học đang ngày càng tăng nhưng vẫn tương đối hạn chế thông qua các thị trường tín chỉ carbon và đa dạng sinh học. Vai trò của khu vực tư nhân có thể được tăng cường hơn nữa bằng cách giảm thiểu rủi ro cho các khoản đầu tư vào nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với khí hậu.