Tăng cường tuyên truyền, tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi

Sau hơn 1 tháng triển khai tiêm phòng vắc xin phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi đợt I/2025, tỉ lệ tiêm phòng vẫn còn khá thấp, chưa đạt tiến độ yêu cầu. Để có thể kết thúc đợt tiêm vào cuối tháng 4 và tỉ lệ tiêm đạt tối thiểu 80% theo kế hoạch, các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, người chăn nuôi cũng cần chủ động hơn nữa.

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho bò. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Cán bộ thú y tiêm phòng vắc xin cho bò. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Tập trung tiêm phòng

Ông Dương Bá Trực, cán bộ thú y xã Hòa Định Đông (huyện Phú Hòa) cho biết: Tổng đàn trâu, bò của xã có khoảng 1.100 con. Xã đang tổ chức tiêm đồng loạt 2 loại vắc xin tụ huyết trùng và lở mồm long móng (LMLM), đến nay đã tiêm được 800 liều vắc xin LMLM và 800 liều vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò của xã. Hiện chúng tôi tập trung đẩy mạnh tiêm phòng, quyết liệt hoàn thành công tác tiêm trong tháng 4 với tỉ lệ tiêm khoảng 95%.

Sau hơn 1 tháng ra quân tiêm phòng, huyện Phú Hòa là một trong những địa phương có tỉ lệ tiêm phòng cao nhất với 54% đàn trâu, bò đã tiêm phòng vắc xin LMLM và 26% đàn trâu, bò đã tiêm vắc xin tụ huyết trùng. Ông Nguyễn Ngọc Đức, cán bộ phụ trách Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa cho hay: Hiện nay, trạm phối hợp cùng các xã, thị trấn đẩy nhanh tốc độ tiêm, thuận lợi nhất là người chăn nuôi địa phương có ý thức tốt và chủ động tiêm phòng, chính quyền cấp xã cũng vào cuộc tích cực. Với tiến độ như hiện nay, địa phương sẽ hoàn thành tiêm trong tháng 4 theo kế hoạch của chi cục.

Trong khi đó, tại huyện miền núi Sơn Hòa, công tác tiêm phòng gặp khó khăn vì nhiều lý do. Một phần do địa bàn rộng lớn, tổ tiêm phòng phải đến từng hộ chăn nuôi để tiêm nên mất thời gian. Phần khác, ở những vùng đồng bào DTTS sinh sống, ý thức của bà con còn hạn chế nên chưa phối hợp tốt, cán bộ thú y phải đi lại nhiều lần để vận động, tiêm vắc xin, trong khi đó đàn gia súc của huyện lại nhiều, vẫn còn tình trạng chăn nuôi thả rông… Do vậy, sau hơn 1 tháng triển khai tiêm phòng, huyện Sơn Hòa chỉ tiêm được khoảng 4.800 liều vắc xin LMLM/tổng đàn hơn 16.000 con trâu, bò và chưa tiêm vắc xin tụ huyết trùng.

Ông Trương Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh cho biết: Theo số liệu thống kê, trong đợt này, toàn tỉnh có 97.530 con trâu, bò trong diện tiêm phòng. Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh chỉ mới tiêm được 34.200 liều vắc xin LMLM, đạt tỉ lệ 35%; khoảng 7.000 liều vắc xin tụ huyết trùng, đạt khoảng 7% và hơn 49.100 liều vắc xin viêm da nổi cục, đạt 50% tổng đàn. Chi cục đã yêu cầu các trạm tích cực tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và khẩn trương tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; phối hợp tuyên truyền, vận động người chăn nuôi tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh bắt buộc cho gia súc, gia cầm, khuyến khích tiêm vắc xin dịch tả heo châu Phi (đã được Cục Thú y cấp phép lưu hành) cho heo thịt để chủ động phòng bệnh. Đồng thời thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi để phòng chống dịch bệnh.

Không nên chủ quan

Theo Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi ổn định, không xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, người chăn nuôi không nên chủ quan, bởi nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn đang xảy ra trên đàn vật nuôi tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh; 68 ổ bệnh dịch tả heo châu Phi tại 20 tỉnh; 9 ổ dịch LMLM tại 7 tỉnh; 11 ổ dịch viêm da nổi cục tại 4 tỉnh. Bộ cũng nhận định, trong thời gian tới nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan cao do mầm bệnh lưu hành trên đàn vật nuôi và ngoài môi trường còn khá cao, ở phạm vi rộng; tổng đàn vật nuôi lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ lệ cao; giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, trong khi đó tỉ lệ tiêm phòng các loại vắc xin còn thấp.

Công tác tuyên truyền và tiêm phòng vắc xin đã và đang được ngành Thú y triển khai quyết liệt với mục tiêu đạt tỉ lệ tiêm phòng tối thiểu 80% tổng đàn. Để hoàn thành mục tiêu này, cùng với ngành Thú y, chính quyền các địa phương, người chăn nuôi cần chủ động và phối hợp tốt trong công tác tiêm phòng, xây dựng nền chăn nuôi an toàn, bền vững.

Ông Trương Văn Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi tỉnh

Để kiểm soát có hiệu quả các loại dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, các bệnh lây nhiễm giữa động vật và người phát sinh, lây lan, các địa phương và người chăn nuôi phải chủ động, ý thức và không được chủ quan. Đặc biệt, người chăn nuôi phải tuân thủ, thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi theo quy định.

Ông Trương Vĩnh Thảo, Chủ tịch UBND xã Hòa Định Đông cho hay: Để đợt tiêm phòng đạt kết quả cao, trước khi đồng loạt ra quân tiêm phòng, lực lượng thú y của xã được tạo điều kiện tham gia tập huấn kỹ thuật tiêm phòng. Xã cũng thành lập tổ tiêm phòng, thống kê tổng đàn, đăng ký và nhận vắc xin, tuyên truyền cho người dân phối hợp tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi… Trong quá trình tiêm, tổ tiêm phòng sẽ được các hội đoàn thể tích cực hỗ trợ, đi đến từng hộ vận động với mục tiêu không bỏ sót hộ chăn nuôi nào.

Theo ông Nguyễn Thành Khá ở thôn Định Thái, xã Hòa Định Đông, đàn bò gia đình ông hiện có hơn 20 con gồm bò cái sinh sản, bò thịt, bò giống. Vừa rồi, gia đình ông đã đăng ký và được cán bộ thú y đến tận nhà tiêm phòng vắc xin LMLM và tụ huyết trùng cho cả đàn. “Gia đình tôi được cán bộ thú y hướng dẫn cách chăm sóc, theo dõi sức khỏe đàn bò sau khi tiêm; nếu thấy bò có dấu hiệu bất thường phải báo ngay để được hỗ trợ xử lý kịp thời. Từ khi đàn bò được tiêm vắc xin đến nay đã hơn 10 ngày vẫn chưa có gì bất thường, bò vẫn ăn, uống khỏe mạnh”, ông Khá nói.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/kinh-te/202504/tang-cuong-tuyen-truyen-tiem-phong-vac-xin-cho-vat-nuoi-1551654/
Zalo