Tăng cường tuyên truyền để ngư dân nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong khai thác hải sản là nhiệm vụ mà Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, BĐBP Quảng Ngãi luôn đặt lên hàng đầu trong bối cảnh Việt Nam quyết tâm tháo gỡ 'thẻ vàng' của Ủy ban châu Âu (EC). Từ những kiến thức pháp luật được cán bộ, chiến sĩ BĐBP tuyên truyền, phổ biến, ngư dân có ý thức hơn trong quá trình hành nghề trên biển và tích cực tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bám dân để tuyên truyền
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ được giao nhiệm vụ quản lý chiều dài 15km bờ biển và phụ trách các xã Tịnh Kỳ, Tịnh Khê và An Phú, thành phố Quảng Ngãi với 12.635 hộ/58.933 nhân khẩu, trong đó, lao động thường xuyên trực tiếp hành nghề trên biển chiếm 20,73%. Số ngư dân này mỗi lần ra khơi để đánh bắt hải sản, thời gian thường kéo dài cả tháng, có trường hợp vào mùa cao điểm, ngư dân bám biển từ 2-3 tháng mới cập bờ. Chính vì thế, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân sẽ khó mang lại hiệu quả cao, nếu như không có cách làm phù hợp.
Sau hơn 1 tháng vươn khơi, tàu QNg91232TS do anh Phạm Hồng Trà, sinh năm 1973, ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi cập bến cảng cá Tịnh Kỳ với niềm vui trúng được đàn cá lớn. Ngay khi hoàn thành xong việc phân công nhiệm vụ cho các thuyền viên, anh Trà cầm sổ sách cùng các loại giấy tờ có liên quan đến gặp trực tiếp cán bộ trạm kiểm soát Biên phòng để báo cáo tình hình mà mình đã thu thập được và xác nhận khu vực hoạt động của phương tiện trong quá trình sản xuất trên biển. Đối với anh Trà, đây là việc làm thường xuyên mà mỗi ngư dân, chủ tàu thuyền phải thực hiện để nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật của công dân.
Với những cán bộ, chiến sĩ Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ, khi làm thủ tục nhập cảng cho tàu thuyền và tiếp nhận tin báo của ngư dân thì các anh liền tổ chức xuống tàu gặp trực tiếp bà con để tuyên truyền và phát tờ rơi với nội dung chính là các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam, đồng thời giải thích cho ngư dân mọi vấn đề mà họ còn thắc mắc hay chưa hiểu thấu đáo.
Anh Phạm Hồng Trà chia sẻ: “Mỗi lần tàu chúng tôi cập cảng cá là các anh Biên phòng đều có mặt để trao đổi tình hình và tuyên truyền pháp luật, vì thế, dù đánh bắt xa bờ, thời gian dài trên biển, nhưng chúng tôi luôn vững tâm lao động sản xuất vì có sự hỗ trợ của BĐBP và các lực lượng chức năng”.
Hiện tại, số phương tiện hành nghề đánh bắt xa bờ, hoạt động dài ngày trên biển do Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ quản lý gồm có 1.068 chiếc, đây cũng chính là số tàu bắt buộc phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Bằng sự kiên trì cùng với đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền, đã có 1.007 tàu cá trên địa bàn lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, số còn lại do hoạt động ngoài tỉnh lâu năm không về địa phương; một số tàu nằm bờ dài ngày không đi biển và những tàu đã bán ra ngoài địa bàn nên công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn.
Ngư dân hiểu luật sẽ có ý thức, trách nhiệm hơn
Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ngư dân được Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ tiến hành thường xuyên và triển khai phù hợp với công việc cũng như thời điểm lao động sản xuất của bà con. Song song với đó, đơn vị luôn phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động, hấp dẫn như sân khấu hóa, giao lưu văn nghệ... thu hút đông đảo người dân tham gia. Ngoài ra, cán bộ của đồn còn “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền pháp luật.
Năm 2024, đơn vị tuyên truyền 83 buổi cho 4.390 lượt người dân trên địa bàn về Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; Luật Biển Việt Nam; Luật Thủy sản; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Biên phòng Việt Nam, trong đó tập trung chuyên sâu vào các văn bản về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 27/1/2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về một số biện pháp cấp bách ngăn chặn tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài...
Cùng với đó, đơn vị phát 5.000 tờ rơi, tờ gấp về quy định về chống khai thác IUU; tặng 2.500 lá cờ Tổ quốc, 1.500 ảnh Bác Hồ cho ngư dân; tuyên truyền trực tiếp tại các hộ gia đình được 250 lần; tổ chức 4 buổi tọa đàm/250 lượt người tham gia; phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh lồng ghép tuyên truyền Ngày pháp luật Việt Nam được 4 buổi với 250 người tham gia; kiện toàn 17 Tổ tàu thuyền tự quản/170 tàu cá/1.700 thuyền viên; 17 Tổ tự quản an ninh trật tự/85 thành viên; 1 Tổ tự quản bến bãi an toàn/5 thành viên theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Ngoài việc tuyên truyền, đơn vị thường xuyên theo dõi, giám sát từ xa hoạt động của các tàu đánh bắt xa bờ để kịp thời nhắc nhở những tàu đến vùng biển giáp ranh giới với hải phận các nước khác, hoặc đến khu vực biển chồng lấn, nơi chưa được phân định rõ ràng lãnh hải, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Trong năm 2024, đơn vị đã tiến hành xử lý 44 vụ/44 tàu/44 đối tượng với số tiền 436.750.000 đồng, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng đối với 4 trường hợp.
Thiếu tá Tiêu Tấn Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết: “Công tác tuyên truyền pháp luật cho ngư dân có vai trò quan trọng để họ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nhất là nâng cao hiểu biết về chống khai thác IUU. Trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm giúp người dân trang bị đầy đủ các kiến thức pháp luật, tránh sai phạm khi hành nghề trên biển”.