Tăng cường tuân thủ pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho tổ chức, cá nhân kinh doanh online

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đang đẩy mạnh công tác phổ biến, tập huấn quy định Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh online.

Trong những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ngày càng phát triển và trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được các doanh nghiệp, người dân biết đến và tin tưởng sử dụng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của thị trường thương mại điện tử cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước bối cảnh đó, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định số 55/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024 đã bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử và trên không gian mạng.

Số hàng hóa đang được tại kho hàng giá trị hơn 20 tỷ đồng của Nguyễn Hoàng Mai Ly. Ảnh: QLTT cung cấp

Theo lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, các quy định mới làm rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số, nền tảng số trung gian, nền tảng số lớn; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng số; điều chỉnh việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng tới nhóm người tiêu dùng cụ thể; kiểm duyệt nội dung, minh bạch hoạt động quảng cáo và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật, người dân tộc thiểu số, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, hộ nghèo,…

Cụ thể, Luật mới đã bổ sung một Chương về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong giao dịch đặc thù; trong đó, có các quy định riêng về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng và các chủ thể có liên quan nói trên.

Để đáp ứng quy định, yêu cầu mới của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân bao gồm: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua nền tảng số và các tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian cần chủ động, tích cực thực hiện các công tác thiết lập, vận hành nhằm tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính kịp thời, tuân thủ của các doanh nghiệp.

Một số nội dung chính về nghĩa vụ mà các doanh nghiệp có liên quan này cần lưu ý như: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng như: Chỉ định, công bố công khai đầu mối liên hệ, người đại diện được ủy quyền phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xây dựng, công bố công khai quy chế hoạt động của nền tảng số trung gian cho người tiêu dùng; trong đó, phân định rõ trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch,… hay thiết lập kho lưu trữ quảng cáo có sử dụng thuật toán để hướng đến người tiêu dùng, nhóm người tiêu dùng cụ thể và đánh giá định kỳ hoạt động kiểm duyệt nội dung, việc sử dụng hệ thống thuật toán và quảng cáo hướng đến người tiêu dùng, nhóm người tiêu dùng cụ thể,…

Tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng, tăng uy tín cho doanh nghiệp trong thương mại điện tử

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong giao dịch từ xa như: Cung cấp chính xác và đầy đủ cho người tiêu dùng các thông tin liên quan, quy định về xử lý việc đổi, trả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng,...

Bên cạnh các nghĩa vụ nêu trên, các doanh nghiệp còn cần lưu ý các hành vi bị nghiêm cấm khi thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số. Ngoài việc phải tuân thủ các hành vi bị cấm nói chung, các tổ chức, cá nhân còn cần lưu ý các hành vi bị cấm cụ thể khi tham gia giao dịch thương mại điện tử và trên không gian mạng, bao gồm các hành vi ép buộc, ngăn cản, hạn chế quyền lựa chọn của người tiêu dùng.

Đại diện Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, để thúc đẩy, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật bảo về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là trong giao dịch thương mại điện tử, giao dịch trên không gian mạng, nền tảng số, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đa dạng, sáng tạo nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp như thực hiện các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, người lao động của khối doanh nghiệp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các hoạt động này không chỉ nhằm cung cấp thông tin pháp luật mà còn hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hệ thống kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả, đồng thời vẫn bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong thời gian qua, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng đã tổ chức phổ biến, tuyên truyền, tập huấn các quy định mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 cho nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trên toàn quốc như phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập huấn cho các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, phổ biến quy định cho Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT (VinaPhone),…

“Để kịp thời đưa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn, đảm bảo sự tuân thủ đầy đủ, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh cần kịp thời tìm hiểu quy định mới của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường năng lực tự tuân thủ. Đồng thời, có thể phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để xây dựng và triển khai các chương trình tập huấn, phổ biến quy định mới trong hệ thống, mạng lưới kinh doanh của mình” - Lãnh đạo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia khẳng định.

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tang-cuong-tuan-thu-phap-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-cho-to-chuc-ca-nhan-kinh-doanh-online-330967.html
Zalo