Tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua 'Chuỗi thực phẩm an toàn'

Ông Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2024, thành phố đã kịp thời xây dựng các kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm với nhiều giải pháp trong đó thành phố tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua đề án 'Chuỗi thực phẩm an toàn'.

Theo lãnh đạo Sở An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” cũng là giải pháp để quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản. Thông qua công tác phối hợp với các tỉnh và triển khai Đề án “chuỗi thực phẩm an toàn”, Sở An toàn Thực phẩm thành phố đã phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành thiết lập và quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đạt chuẩn cung cấp vào bếp ăn tập thể, căng tin trường học, hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống; tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt chuẩn cung cấp cho người dân thành phố ngày càng tăng.

Đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn" giúp TP. Hồ Chí Mnh tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn" giúp TP. Hồ Chí Mnh tăng cường truy xuất nguồn gốc thực phẩm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Chỉ trong tháng 10, Ban Quản lý Đề án "Chuỗi thực phẩm an toàn" đã cấp 5 giấy chứng nhận (cấp mới 4 giấy, cấp lại 1 giấy) cho 4 cơ sở kinh doanh, 1 cơ sở sản xuất với sản lượng rau, củ, quả với tổng khối lượng 1.069,5 tấn/năm. Lũy kế 10 tháng, Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 242 giấy chứng nhận (cấp lại 29 giấy, cấp mới 213 giấy) cho 209 cơ sở kinh doanh, 3 cơ sở sơ chế, 3 cơ sở giết mổ và 3 cơ sở sản xuất, 24 cơ sở chăn nuôi với sản lượng rau, củ, quả: 2.086,2 tấn/năm, thịt gà: 35.095 tấn/năm; trứng gà: 110.138.000 quả/năm.

Ban Quản lý Đề án cho biết, từ khi triển khai đến nay đã cấp giấy chứng nhận cho 354 trang trại, cơ sở sản xuất, chăn nuôi và nuôi trồng đạt chứng nhận "Chuỗi thực phẩm an toàn" với sản lượng rau, trái cây: 350.348,67 tấn; thịt các loại: 836.779,8 tấn; trứng gia cầm: 2.587.567.728 quả; thủy sản các loại 25.869,8 tấn và 66,12 triệu lít nước mắm.

Lãnh đạo Sở An toàn Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, để quản lý thực phẩm an toàn trong những tháng cuối năm 2024 nhất là dịp Tết Nguyên Đán sắp tới, Sở sẽ tiếp tục duy trì xây dựng và triển khai các Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” bên cạnh đó Sở cũng triển Đề án “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”… Đồng thời, Sở An toàn Thực phẩm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát các cơ sở nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm cũng như có cảnh báo kịp thời đến người tiêu dùng.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tang-cuong-truy-xuat-nguon-goc-thuc-pham-qua-chuoi-thuc-pham-an-toan-157045.html
Zalo