Tăng cường triển khai hoàn thuế điện tử

Bên cạnh việc thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thời gian qua, ngành Thuế tỉnh còn đẩy mạnh dịch vụ khai thuế và hoàn thuế điện tử, đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN). Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ đăng ký và hoàn thuế điện tử ngày càng tăng.

Khai thuế và hoàn thuế điện tử tăng

Ngay từ đầu năm, Cục Thuế tỉnh thường xuyên chỉ đạo các bộ phận chuyên môn tăng cường công tác quản lý khai thuế, hoàn thuế điện tử; tuyên truyền chính sách về hồ sơ, thủ tục hoàn thuế cho người nộp thuế bằng phương thức điện tử; quyết liệt trong việc đẩy mạnh giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT). Ngành Thuế tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện quản lý thuế điện tử; tiếp tục mở rộng triển khai cung cấp các dịch vụ điện tử cho người nộp thuế, ứng dụng eTax trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho cá nhân, hộ kinh doanh; triển khai cổng dữ liệu thông tin về sàn thương mại điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền cho DN, hộ kinh doanh hoạt động, cung cấp hàng hóa dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng. 7 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh có 18 tổ chức, DN đăng ký hoàn thuế điện tử, lũy kế đến nay có 455 tổ chức, DN đã đăng ký hoàn thuế điện tử thành công.

Cán bộ cơ quan thuế hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng thuế điện tử trên điện thoại di động.

Bên cạnh việc đăng ký khai thuế điện tử, ngành Thuế tỉnh tập trung nguồn lực xử lý hồ sơ hoàn thuế điện tử. Từ đầu năm đến nay, Cục Thuế tỉnh đã tiếp nhận 94 hồ sơ đề nghị hoàn thuế; trong đó đã giải quyết hoàn thuế GTGT theo phương thức điện tử cho 86 hồ sơ, với tổng số tiền hoàn thuế hơn 537,2 tỷ đồng, bằng 125% trên tổng số hồ sơ đã giải quyết hoàn thuế 7 tháng đầu năm 2023. Qua đó, đảm bảo quyền lợi cho DN, góp phần giúp DN giải quyết khó khăn về tài chính để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Trưởng phòng Kê khai - Kế toán thuế Cục Thuế tỉnh cho biết, khó khăn lớn nhất trong công tác hoàn thuế GTGT hiện nay là vừa phải đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đúng hạn, tạo điều kiện cho người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa phải kiểm soát chặt chẽ, phòng, chống gian lận hoàn thuế gây thất thoát ngân sách nhà nước. Thực tế hiện nay, các hành vi vi phạm, gian lận trong việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, hoàn thuế GTGT ngày càng tinh vi, phức tạp. Trong khi đó, cơ chế, chính sách pháp luật hoàn thuế GTGT và pháp luật liên quan chưa hoàn thiện, đồng bộ, vẫn còn các vướng mắc phát sinh khi giải quyết hoàn thuế. Chưa kể, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của một số DN còn hạn chế.

Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp

Xác định công tác hoàn thuế GTGT là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, hàng năm, ngành Thuế tỉnh luôn nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hoàn thuế nói chung, dịch vụ khai thuế, hoàn thuế điện tử nói riêng. Cụ thể, đối với các hồ sơ hoàn thuế GTGT đang có vướng mắc, phản ánh của các hiệp hội, DN, Cục Thuế tỉnh kịp thời tổ chức đối thoại trực tiếp nhằm làm rõ vướng mắc, chủ động xử lý, giải quyết các vấn đề trong thẩm quyền và tổng hợp báo cáo Tổng cục Thuế những hồ sơ vượt thẩm quyền để kịp thời hướng dẫn xử lý; thường xuyên rà soát hồ sơ khai thuế GTGT của các DN có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu và DN có dự án đầu tư đang triển khai trên địa bàn để hướng dẫn DN kê khai, nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo đúng quy định; tiếp tục đề nghị Tổng cục Thuế nâng cấp ứng dụng TMS (hệ thống quản lý thuế tập trung) đáp ứng đồng bộ từ khâu tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả hoàn thuế theo phương thức điện tử, cập nhật đầy đủ những thay đổi bổ sung của quy trình hoàn thuế, chính sách thuế...

Một doanh nghiệp nêu ý kiến tại hội nghị đối thoại về thuế.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách về hồ sơ, thủ tục hoàn thuế điện tử và Thông tư số 80/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế để DN chủ động trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị hoàn thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan thuế khi tiếp nhận hồ sơ, tránh việc hồ sơ chưa đáp ứng thủ tục khi gửi đến cơ quan thuế; tăng cường công tác thanh, kiểm tra sau hoàn thuế đối với quyết định hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau để kịp thời phát hiện việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn nhằm trục lợi trong hoàn thuế. Mặt khác, tiếp tục kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thuế GTGT, quản lý thuế, hóa đơn điện tử và pháp luật chuyên ngành có liên quan (Luật DN) để hạn chế, ngăn chặn tình trạng thành lập DN “ma” phát hành, sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Các cơ chế, chính sách quản lý thuế cũng cần phân định rõ trách nhiệm của cơ quan thuế, cán bộ thuế với người nộp thuế trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT.

Theo bà Huỳnh Thị Thu Nguyệt, bên cạnh sự nỗ lực của ngành Thuế, để việc hoàn thuế nói chung và hoàn thuế điện tử nói riêng đạt hiệu quả cao, DN cần thường xuyên cập nhật các chính sách pháp luật, nâng cao trình độ của bộ phận kế toán. Đồng thời, trước khi nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế, người nộp thuế cần lưu ý điều chỉnh đúng các tờ khai thuế, nhất là các trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế đối với hóa đơn đầu vào bị bỏ sót; hàng hóa, dịch vụ mua vào, phải đảm bảo nguồn gốc hàng hóa, tránh tình trạng khi cơ quan thuế kiểm tra, xác minh các điều kiện hoàn thuế thì phát hiện các vấn đề rủi ro. Đối với hồ sơ hoàn thuế dự án đầu tư, DN cần lưu ý về thành phần hồ sơ pháp lý theo quy định, tiến độ thực hiện dự án, doanh thu phát sinh của dự án… Các DN cũng cần phối hợp với cơ quan thuế trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT đảm bảo kịp thời, đúng quy định...

C.VÂN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/202408/tang-cuong-trien-khai-hoan-thue-dien-tu-59977dc/
Zalo