Tăng cường trao đổi thông tin phục vụ điều tra, phòng, chống tội phạm
Ngày 14-11, Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp số 01/QCPH/HS-ĐT ngày 25-10-2019 trong công tác trao đổi, cung cấp, quản lý, khai thác thông tin về đối tượng phục vụ công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm. Đồng chủ trì hội nghị có: Đại tá Trương Quang Thùy, Phó cục trưởng Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc Phòng); Đại tá Giang Văn Phú, Phó cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an).
Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc, đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc tra cứu, cung cấp thông tin về đối tượng; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh, phòng ngừa, điều tra, xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm. Trong 5 năm, Cơ quan điều tra hình sự các cấp trong Quân đội đã gửi đề nghị Cục Hồ sơ nghiệp vụ Bộ Công an và công an các đơn vị, địa phương hơn 4.000 yêu cầu tra cứu, trích lục tiền án, tiền sự, xác minh tiền án, tiền sự và các yêu cầu nghiệp vụ khác.
Công tác lập căn cước can phạm đi vào nền nếp theo quy định. Công tác xử lý thông tin, tài liệu của cơ quan hồ sơ nghiệp vụ được thực hiện khoa học, đúng quy trình, quy định pháp luật. Ngoài việc phối hợp tra cứu hồ sơ, Cục Điều tra hình sự và Cục Hồ sơ nghiệp vụ định kỳ trao đổi thông tin, tài liệu diễn biến về đối tượng để bổ sung vào tàng thư và cơ sở dữ liệu nghiệp vụ; tập huấn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách về kỹ năng lập căn cước can phạm; trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra, đấu tranh, truy bắt tội phạm.
Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Trương Quang Thùy đánh giá cao công tác phối hợp nghiệp vụ giữa cơ quan chức năng hai Cục. Thời gian tới, đồng chí Phó cục trưởng Cục Điều tra hình sự (Bộ Quốc phòng) mong muốn lãnh đạo, chỉ huy Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo trong phối hợp tra cứu, cung cấp, quản lý, khai thác thông tin phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm. Hai Cục tăng cường phối hợp kiểm tra, hướng dẫn và đào tạo, tập huấn nhằm chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác lập căn cước can phạm và phối hợp trao đổi, cung cấp, quản lý và khai thác thông tin liên quan đến người phạm tội.