Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em dân tộc thiểu số

Từ năm 2021 đến nay, nội dung tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ đã hỗ trợ tốt hơn cho trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số trong việc phát triển ngôn ngữ.

Tính đến tháng 5/2024, có 99,1% trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt. Ảnh: ST

Tính đến tháng 5/2024, có 99,1% trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt. Ảnh: ST

Theo Báo cáo Sơ kết Đề án Tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, từ năm 2021 đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai, hỗ trợ các địa phương thực hiện tốt Đề án.

Cùng với đó, các địa phương đã linh hoạt, sáng tạo trong triển khai tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non. Giáo viên chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, chú trọng cho trẻ tập nói tiếng Việt trong hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp, mọi lúc mọi nơi; chỉ đạo lựa chọn nội dung phù hợp với đặc điểm vùng miền, tâm sinh lý lứa tuổi và dân tộc của trẻ; làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ để xây dựng môi trường tiếng Việt tại gia đình.

Theo số liệu báo cáo của các địa phương, đến thời điểm tháng 5/2024, toàn quốc có 4.913 trường mầm non, 68.720 nhóm, lớp mầm non có trẻ em là người dân tộc thiểu số. Đến thời điểm hiện tại, tổng số trẻ em người dân tộc thiểu số đến trường là 820.156 trẻ, chiếm 16% tổng số trẻ đến trường trên toàn quốc, tăng 130.413 trẻ so với thời điểm xây dựng Đề án.

Trong đó, số trẻ em người dân tộc thiểu số tại các địa bàn xã khó khăn và đặc biệt khó khăn đi học tăng 34.019 em. Số trẻ em là người dân tộc thiểu số học 2 buổi/ngày tăng 111.078 em. Có 99,1% trẻ dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt, tăng 36.774 trẻ so với năm 2015.

Nhiều địa phương tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực của xã hội để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Trong giai đoạn 2, từ năm 2021 đến nay, có 3.636 lượt tổ chức xã hội tham gia tăng cường tiếng Việt ở các địa phương.

Ngoài ra, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, phối hợp về tăng cường tiếng Việt với phụ huynh tại địa phương. Đồng thời, tập trung đầu tư, cung cấp, khai thác hiệu quả trang thiết bị để nâng cao chất lượng tăng cường tiếng Việt ở các địa phương.

Để hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu trong thời gian tới, trước khi kết thúc giai đoạn 2 của Đề án vào năm 2025, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cho rằng, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm, giải pháp trong giai đoạn trước và thời gian qua, các địa phương cần có quan điểm tiếp cận đầy đủ, chính xác về Đề án. Trong đó cần lưu ý, Đề án nhấn mạnh hai nhiệm vụ song hành là vừa bảo tồn tiếng mẹ đẻ của các dân tộc thiểu số bởi đó là di sản, văn hóa nhưng đồng thời phải tăng cường, bồi đắp tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số để các em có thêm công cụ, tiếp cận bình đẳng với nhân loại, phát triển hài hòa, toàn diện trong giáo dục và xã hội.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến việc tạo môi trường học tập, sử dụng tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số như: Tăng cường sử dụng các đồ chơi, học liệu, tổ chức các hoạt động trong sinh hoạt, vui chơi để học sinh có thể trao đổi với nhau bằng tiếng Việt nhưng vẫn trên cơ sở bảo tồn được tiếng mẹ đẻ và bản sắc riêng của các dân tộc.

Đặc biệt, các địa phương cần đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp tại các vùng khó, đặc biệt là giáo viên thực hiện công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số. Hằng năm, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên để hoàn thành tốt các mục tiêu giáo dục đề ra. Đồng thời, quan tâm, tạo cơ chế, chính sách, hỗ trợ cho các giáo viên vùng sâu, vùng xa, giáo viên thực hiện Đề án./.

PHƯƠNG LAN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tang-cuong-tieng-viet-tren-co-so-tieng-me-de-cho-tre-em-dan-toc-thieu-so-35851.html
Zalo