Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ rừng

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (gọi tắt là Chỉ thị số 13), cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện hiệu quả. Nhờ đó, tình trạng cháy rừng giảm qua từng năm, không xảy ra điểm nóng, vụ việc nổi cộm về phá rừng, khai thác rừng, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép.

Huyện Cam Lộ tổ chức hội nghị triển khai phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành - Ảnh: KLCC

Huyện Cam Lộ tổ chức hội nghị triển khai phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành - Ảnh: KLCC

Với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 276.602 ha, chiếm gần 60% diện tích toàn tỉnh, Quảng Trị xác định quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là một nội dung quan trọng trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu của địa phương.

Chỉ thị số 13 được coi là dấu mốc đánh dấu bước chuyển mới trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng. Để chỉ đạo việc thực hiện sát sao Chỉ thị số 13, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Các đơn vị, địa phương căn cứ nội dung Chỉ thị số 13, Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 8/8/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 13 và đặc điểm, tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị để chủ động phổ biến, quán triệt, tuyên truyền, xây dựng kế hoạch thực hiện có hiệu quả.

Với nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện, diện tích rừng, tỉ lệ che phủ rừng liên tục tăng và được duy trì ổn định, việc quy hoạch, rà soát quy hoạch ba loại rừng cơ bản phù hợp yêu cầu thực tiễn, công tác giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng được chú trọng, bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Cơ chế, chính sách về bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo đã giúp người làm nghề rừng, nhất là các hộ nghèo cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập.

Từ năm 2021 - 2023, Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh thực hiện chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án phát triển kinh tế theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ của 82 dự án với tổng diện tích rừng đề nghị chuyển đổi là 1.563,2823 ha.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan, các chủ rừng, người dân và chính quyền địa phương trên địa bàn để triển khai các hoạt động phát triển rừng, đặc biệt chú trọng đến phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng kinh doanh gỗ lớn, từ năm 2021- 2023, toàn tỉnh trồng hơn 34.296 ha rừng tập trung, trong đó rừng gỗ lớn hơn 2.945 ha, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn 438 ha và trồng 9.202 cây phân tán.

Hiện nay, tỉnh Quảng Trị là 1 trong 6 địa phương thực hiện thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Đây là nguồn kinh phí quan trọng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư tham gia giảm phát thải nhà kính từ rừng tự nhiên, góp phần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh.

Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) được quan tâm triển khai có hiệu quả. Theo đó, hằng năm rà soát bổ sung phương án PCCCR, củng cố các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, đầu tư xây dựng các công trình, trang thiết bị PCCCR; kiểm tra công tác PCCCR các cấp, các chủ rừng; rà soát các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, dự báo cấp cháy rừng, tổ chức trực PCCCR, sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng tại cơ sở.

Chỉ thị số 13 đã tạo ra bước chuyển mới trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của chính quyền địa phương. Nhiều cơ chế chính sách được ban hành kèm theo đã tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng. Rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt, các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng pháp luật.

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến thôn bản, sự tham mưu kịp thời, có hiệu quả của lực lượng kiểm lâm Quảng Trị và sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, trong thời gian tới, công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2026.

Bảo Bình

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tang-cuong-su-lanh-dao-cua-dang-trong-quan-ly-bao-ve-rung-186051.htm
Zalo