Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Ngày 8-7-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (HQTT) theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Ngày 8-7-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (HQTT) theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 88-KH/TU ngày 15-5-2020 của Tỉnh ủy.
UBND tỉnh xác định quan điểm chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT của tỉnh gồm 5 yếu tố: Phòng, chống thiên tai (PCTT) là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Lấy phòng ngừa là chính, lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT theo phương châm “bốn tại chỗ”. Tăng cường quán triệt sâu rộng các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh ủy về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT. Hoàn thiện cơ chế, thể chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, chỉ huy, điều hành phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT. Có chính sách đặc thù cho lực lượng làm công tác này. Ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền.
Để đảm bảo công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT luôn được tổ chức thực hiện một cách tích cực, chủ động, hiệu quả nhất, UBND tỉnh cũng xác định 10 giải pháp trọng tâm gồm: Tăng cường tuyên truyền, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT, tránh tư tưởng chủ quan, coi nhẹ công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn trong toàn đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Các sở, ban, ngành phải xác định trách nhiệm trong công tác quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT. Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn của từng ngành; Nâng tầm hoạt động của cơ quan PCTT theo hướng chuyên trách; Chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở. Phân công trách nhiệm rõ ràng và xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chuyên trách, quân đội, công an để phối hợp xây dựng các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT, bảo đảm tính khả thi, thiết thực, sát thực tiễn. Xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với thiên tai; thường xuyên điều chỉnh, bổ sung nội dung kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai và phối hợp với các cơ quan chuyên trách tham mưu để làm tốt công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT trong phạm vi khu vực trụ sở của từng đơn vị. Các sở, ngành có trách nhiệm bảo đảm nguồn lực và các điều kiện hoạt động cho cơ quan và lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT. Chủ động lồng ghép nội dung PCTT vào các chương trình, hoạt động của các sở, ngành. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kịp thời các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai. Xác định phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ, giải pháp then chốt và hiệu quả trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT. Bố trí kinh phí hợp lý để tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục HQTT./.