Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội
Thời gian qua, tỉnh Quảng Trị đặc biệt quan tâm triển khai các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT). Các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã nêu cao vai trò, trách nhiệm, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện BHXH, BHYT. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có mặt còn hạn chế, cần tăng cường các giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Điểm thuận lợi trong thực hiện chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh được khẳng định rõ nét là cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN theo các nghị quyết của trung ương và đạt nhiều kết quả tích cực. Quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được đảm bảo, việc chi trả các chế độ đúng, đủ, kịp thời. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực bảo hiểm được quan tâm và triển khai đồng bộ nhằm giảm tối đa thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Kết quả phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN của BHXH tỉnh 10 tháng năm 2024 cho thấy, một số chỉ tiêu thực hiện chưa đạt so với kế hoạch UBND tỉnh giao. Đơn cử như phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, đến tháng 10/2024 tỉ lệ tham gia đạt 60,2% so với kế hoạch tạm giao của năm 2024, đạt 5,2% so với lực lượng lao động hiện có trên địa bàn tỉnh.
Số người tham gia BHYT đạt 97,9% so với kế hoạch tạm giao của năm 2024, đạt tỉ lệ bao phủ 94,84% dân số toàn tỉnh, giảm 0,36% so với kế hoạch UBND tỉnh giao. Số người tham gia BHXH đạt thấp, tình trạng doanh nghiệp chậm đóng, thậm chí trốn đóng BHXH, BHYT vẫn xảy ra. Nhiều địa phương, đơn vị chưa đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH vào kế hoạch phát triển KT-XH, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Do đó, dự báo tỉ lệ người tham gia BHYT khó đạt mức 98% như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
Để tiếp tục thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh, ngày 6/11/2024, Tỉnh ủy Quảng Trị ban hành Công văn số 1742-CV/TU yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự đảng, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và người đứng đầu tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình hành động số 138-CTHĐ/TU ngày 12/11/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, nhất là những nội dung mới được quy định trong Luật BHXH số 41/2024/QH15 để cán bộ, đảng viên, người sử dụng lao động, người lao động và Nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, vai trò, lợi ích của chính sách BHXH, BHYT. Từ đó, nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật và tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện, thúc đẩy việc tham gia BHXH, BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác truyền thông, triển khai việc cập nhật, bổ sung định danh cá nhân, căn cước công dân và cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số cho 100% người tham gia BHXH, BHYT.
Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT trên địa bàn, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu đã được đưa vào các nghị quyết của cấp ủy và chính quyền các cấp. Chỉ đạo xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH trong kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm và theo nhiệm kỳ trình HĐND cùng cấp quyết định.
Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp và các cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT từ dữ liệu của cơ quan thuế và các ngành liên quan. Nghiên cứu các giải pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhằm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ và phát triển bền vững người tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động và người dân khi tham gia BHXH, BHYT.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát quỹ BHXH, quỹ BHYT gắn với phòng, chống lạm dụng, trục lợi quỹ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo các cơ quan liên quan tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý đối với các hành vi gian lận, trốn đóng, trục lợi BHXH, BHYT theo quy định.
Nghiên cứu ban hành các chính sách phù hợp để tiếp tục hỗ trợ các đối tượng đóng BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, nhất là hộ gia đình mới thoát nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo... có hoàn cảnh khó khăn, nhằm mở rộng và duy trì tỉ lệ người tham gia BHXH, BHYT.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cải cách hành chính, tập trung vào việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý. Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới tác phong, lề lối làm việc và phong cách phục vụ, tạo thuận lợi cho người tham gia và thụ hưởng các chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN.