Tăng cường quản lý việc khai thác nguồn nước dưới đất

Thời gian qua, phong trào nuôi lươn không bùn ở tỉnh Hậu Giang phát triển khá mạnh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở nuôi lươn đều khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất, trong khi công tác quản lý việc khai thác nguồn nước này chưa được quan tâm đúng mức...

Nhiều cơ sở nuôi lươn sử dụng khối lượng lớn nước ngầm nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác.

Nhiều cơ sở nuôi lươn sử dụng khối lượng lớn nước ngầm nhưng chưa được cấp giấy phép khai thác.

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024), các công trình khai thác nước dưới đất với lưu lượng từ 10 m3/ngày đêm đến dưới 3.000 m3/ngày đêm thuộc trường hợp phải có giấy phép của ủy ban nhân dân tỉnh; công trình khai thác nước dưới đất có lưu lượng dưới 10 m3/ngày đêm phải đăng ký khai thác tại ủy ban nhân dân cấp huyện. Thế nhưng, nhiều cơ sở nuôi lươn vô tư khai thác, không tuân thủ các quy định này...

Khai thác tràn lan

Từ năm 2022 đến nay, phong trào nuôi lươn không bùn phát triển mạnh tại Hậu Giang với nguồn nước phục vụ sản xuất chủ yếu khai thác từ dưới đất. Các cơ sở nuôi hầu hết là các hộ gia đình sử dụng giếng khoan sinh hoạt sẵn có để khai thác nuôi lươn.

Do việc nuôi lươn không cần kỹ thuật phức tạp, không cần diện tích lớn, có thể tận dụng chuồng nuôi lợn bỏ trống để làm bể nuôi, nhưng có lợi nhuận khá nên người dân phát triển khá rầm rộ, tự phát. Với giá lươn hiện nay khoảng 120.000 đồng/kg, người nuôi lươn có thể đạt lợi nhuận 70.000 đồng/kg lươn thương phẩm. Bình quân người nuôi lươn có lợi nhuận gần 6 triệu đồng/m2 thả nuôi.

Anh Châu Xuyên ở ấp 5, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ trước đây nuôi lợn, từ năm 2022, anh bắt đầu làm thêm mô hình nuôi lươn không bùn. Hiện, anh có sáu bể nuôi lươn (diện tích mỗi bể 6 m2), mỗi vụ cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng. Theo anh Châu Xuyên, hiện nguồn nước mặt bị ô nhiễm, nên anh phải khoan giếng lấy nguồn nước ngầm để nuôi lươn. Trung bình mỗi ngày anh sử dụng khoảng 50 m3 nước.

Còn anh Lê Hoàng Anh, ở khu vực 3, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ phải tiêu tốn khoảng 300 m3 nước dưới đất mỗi ngày để phục vụ cho mô hình nuôi lươn thương phẩm và lươn giống, nhưng cũng chưa thấy ai đến yêu cầu đăng ký, xin cấp phép khai thác nguồn nước dưới đất…

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh hiện có 897 cơ sở nuôi lươn, trong đó có 643 cơ sở khai thác nước dưới đất với lưu lượng trung bình từ 10-40 m3/ngày đêm thuộc trường hợp phải cấp giấy phép. Tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất cho nuôi lươn khoảng 38.000 m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, thực tế số cơ sở nuôi lươn trên địa bàn có thể cao hơn rất nhiều. Chỉ tính riêng tại thị xã Long Mỹ, theo kết quả thống kê có 800 cơ sở có khai thác tài nguyên nước dưới đất để nuôi lươn, trong đó có 115 cơ sở khai thác lưu lượng lớn hơn 10 m3/ngày đêm, thuộc trường hợp phải cấp phép.

Ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Long Mỹ, cho biết: “Hầu hết công trình khai thác của các cơ sở nuôi lươn không lắp đặt thiết bị đo lưu lượng dẫn đến khó khăn trong việc xác định lưu lượng khai thác để yêu cầu lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định”...

Cần sự kiểm soát chặt chẽ

Theo ông La Trọng Kỳ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang, theo kết quả điều tra, đánh giá tiềm năng nước dưới đất tại Hậu Giang tỷ lệ 1:50.000 do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước Miền Nam thực hiện, tỉnh có bảy tầng chứa nước với chất lượng mặn nhạt đan xen, trữ lượng tiềm năng khoảng 2,8 triệu m3/ngày. Trong đó, vùng nước nhạt khoảng 1,39 triệu m3/ngày, vùng nước mặn khoảng 1,44 triệu m3/ngày. Đặc điểm nguồn nước dưới đất được bổ sung tự nhiên. Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước và nước ngoài, ngưỡng khai thác nước dưới đất bền vững không vượt quá 25%, tương đối bền vững không vượt quá 40% trữ lượng tiềm năng.

Tại Hậu Giang hiện có khoảng 36.800 công trình khai thác nước dưới đất (bao gồm các tổ chức và hộ gia đình, cá nhân) phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi với tổng lưu lượng khai thác khoảng 98.000 m3/ngày, chiếm khoảng 7,1% trữ lượng tiềm năng nước nhạt, vẫn còn trong ngưỡng khai thác bền vững.

Tỉnh Hậu Giang đã phê duyệt vùng hạn chế khai thác nước dưới đất theo Quyết định số 659/QĐ-UBND ngày 31/3/2022, trong đó, vùng hạn chế hầu hết là khu vực đã có hệ thống cấp nước và khu vực biên mặn của các tầng chứa nước. Đối với các công trình khai thác nuôi lươn, ước tính sơ bộ có khoảng 30% số cơ sở nằm trong vùng hạn chế là khu vực đã có hệ thống cấp nước; vùng biên mặn không có công trình khai thác nuôi lươn.

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023, khu vực đã có hệ thống cấp nước tập trung không còn quy định là vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bãi bỏ vùng hạn chế khai thác đối với các khu vực này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ gây ra các hệ lụy như hạ thấp mực nước, suy giảm tầng chứa nước, lan truyền vùng nước mặn sang vùng nước nhạt, thông các tầng chứa nước thông qua các giếng khoan, nghiêm trọng hơn là sụt lún, sạt lở đất...

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang La Trọng Kỳ cho biết thêm, nhằm kiểm soát hoạt động khai thác nguồn nước dưới đất đúng quy định, vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý đối với khai thác nguồn nước dưới đất để nuôi lươn. Các địa phương có trách nhiệm gửi thông báo đến tất cả các cơ sở nuôi lươn để hướng dẫn thủ tục và yêu cầu chấp hành thực hiện đăng ký, cấp phép theo quy định. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm theo quy định, bảo đảm các cơ sở chấp hành đúng theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường trong nuôi lươn; đưa vào kế hoạch thanh tra đối với các cơ sở có quy mô lớn.

Cùng với đó, chỉ đạo ngành nông nghiệp phổ biến đến các cơ sở quy định về cấp phép trong khai thác tài nguyên nước; hạn chế khai thác nước dưới đất để nuôi lươn ở những khu vực có thể sử dụng từ nguồn nước khác. Nghiên cứu áp dụng, nhân rộng các mô hình sử dụng nước tuần hoàn; nghiên cứu phương pháp xử lý nước mặt cho nuôi lươn để dần thay thế khai thác từ nguồn nước dưới đất...

Nước là nguồn tài nguyên có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống, sinh hoạt của con người, trong đó có người dân Hậu Giang. Chính vì vậy, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước cần được tỉnh quan tâm đúng mức, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài để góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của địa phương...

PHÙNG DŨNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tang-cuong-quan-ly-viec-khai-thac-nguon-nuoc-duoi-dat-post857710.html
Zalo