Tăng cường quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh
Ngày 24-12, tại Quảng Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng” và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 32/QĐ-CP ngày 7-1-2020.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng triển khai Dự án “Điều tra, đánh giá tình hình quản lý và hiệu quả sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp sau khi rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP” nhằm đánh giá hiệu quả của diện tích đất nông, lâm trường quốc doanh giữ lại, giao cho các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng sau khi rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
Sau 4 năm thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng”, có 28/52 tỉnh xây dựng và phê duyệt Đề án, trong đó có 14 tỉnh xây dựng và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán, để thực hiện việc rà soát ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính.
Có 256 công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, xử lý các vấn đề đất đai gắn với sắp xếp lại tổ chức.
Bên cạnh đó, đã trình Thủ tướng Chính phủ 41 phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp của các địa phương, tập đoàn, tổng công ty có công ty nông, lâm nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách bảo vệ rừng, gắn với giảm nghèo bền vững; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, người trồng rừng, quản lý, bảo vệ rừng có thu nhập từ rừng, để bảo đảm ổn định cuộc sống.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; giới thiệu Kết luận số 30-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-TW, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị, về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; báo cáo về tình hình quản lý, sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp thực hiện sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP; giới thiệu các quy định của pháp luật đất đai 2024 đối với đất nông, lâm trường; thảo luận, giải đáp các vấn đề bất cập trong quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.