Tăng cường quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm

Trên địa bàn tỉnh hiện có 712 cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ lẻ. Tuy nhiên mới chỉ có 4 CSGM được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP). Điều này cho thấy, công tác quản lý giết mổ còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh ATTP, gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh.

Thiếu cơ sở giết mổ tập trung

Với 35 CSGM gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ đang hoạt động phân tán trên địa bàn, huyện Yên Minh đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý. Các cơ sở này nằm xen khẽ trong khu dân cư, giết mổ tại nhà hoặc gắn với khu chăn nuôi; trong khi điều kiện hạ tầng, trang thiết bị, dụng cụ đều sơ sài, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y. Theo đánh giá xếp loại, một số CSGM đạt loại B, phần lớn loại C (chưa có cơ sở đạt loại A) nên chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP. Ngoài ra, các cơ sở này cũng chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về xử lý nước thải, vệ sinh môi trường.

Theo quy định, tất cả các thành phẩm gia súc buôn bán trên thị trường phải có dấu thú y.

Theo quy định, tất cả các thành phẩm gia súc buôn bán trên thị trường phải có dấu thú y.

Ông Mua Quang Bình, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện Yên Minh cho biết: Mặc dù đơn vị đã tích cực kiểm tra, giám sát hoạt động giết mổ nhưng việc đóng dấu kiểm dịch vẫn gặp nhiều khó khăn. Các CSGM hoạt động từ 3-5 giờ sáng, lại phân tán rải rác cách xa nhau, khiến cán bộ thú y phải di chuyển nhiều, làm việc vất vả, hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, theo quy định của Luật Thú y, việc mổ gia súc phải thực hiện tại các cơ sở tập trung, có sự kiểm tra trước và sau giết mổ. Chỉ những sản phẩm đóng dấu kiểm dịch mới được phép lưu thông trên thị trường, việc đóng dấu không thực hiện ngoài khu vực lò mổ.

Thị trấn Yên Bình (Quang Bình) có 6 thôn, 5 tổ dân phố với hơn 1.500 hộ dân, tiêu thụ khoảng 10 đến 15 con lợn/ngày. Tuy nhiên, thị trấn hiện chưa có CSGM tập trung nên toàn bộ số lợn trên đều được giết mổ tại nhà. Nước thải, chất thải của hoạt động này xả trực tiếp ra môi trường, qua nhiều năm tích tụ bốc mùi hôi thối. Điều này ảnh hưởng đến đời sống của các hộ dân xung quanh và nguy cơ lây lan dịch bệnh. Có kinh nghiệm hơn 10 năm hành nghề mổ lợn, ông Nguyễn Văn Chiểu, tổ 6, thị trấn Yên Bình cho biết: “Tôi nhận thức rõ những ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của mọi người xung quanh. Nhưng trên địa bàn chưa có lò mổ tập trung nên đành phải tiếp tục giết mổ lợn tại nhà”.

Với 712 CSGM gia súc, gia cầm hoạt động trên địa bàn tỉnh; trong đó có 323 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đạt 45,5%. Thực trạng này đặt ra nhiều khó khăn trong quản lý giết mổ, kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm ATTP; nhất là khi phần lớn các cơ sở hoạt động tự phát, không đảm bảo vệ sinh thú y. Ông Nguyễn Văn Sức, Trưởng phòng Kế hoạch, Kỹ thuật, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh chia sẻ: “Hiện tỉnh có 4 CSGM tập trung được cấp giấy chứng nhận vệ sinh ATTP tại thành phố Hà Giang, huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần. Các huyện, thị trấn khác đều không có CSGM tập trung do thiếu mặt bằng; địa điểm xây dựng phải cách xa khu dân cư tối thiểu 500m; kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, hệ thống xử lý chất thải tốn kém nên khó thu hút nhà đầu tư”.

Đồng bộ các giải pháp

Cán bộ Thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch lợn tại CSGM thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì.

Cán bộ Thú y kiểm tra, đóng dấu kiểm dịch lợn tại CSGM thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì.

Thực tế cho thấy, các CSGM tập trung đi vào hoạt động giúp kiểm soát tốt đầu vào thực phẩm, giảm áp lực cho lực lượng thú y, hạn chế thất thoát ngân sách Nhà nước. Điển hình như CSGM tập trung tại thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Hoạt động từ tháng 10.2022, cơ sở được đầu tư bài bản từ hạ tầng, chuồng trại nuôi nhốt đến trang thiết bị và nhân công phục vụ. Trung bình mỗi ngày cơ sở giết mổ từ 20-25 con lợn, trâu, bò. Nhờ mô hình này, lực lượng thú y đã kiểm soát khoảng 70% tổng lượng gia súc xuất, nhập và giết mổ trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản huyện Hoàng Su Phì cho biết: “Đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và áp dụng các chế tài nghiêm khắc. Đối với các lò giết mổ không đáp ứng quy định, Trạm phối hợp với các đơn vị liên ngành kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời phối hợp với Ban quản lý chợ ngăn chặn các sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc và không có dấu thú y vào chợ buôn bán”.

Thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030” của Thủ tướng Chính phủ, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã chủ động rà soát, đánh giá thực trạng mạng lưới thú y cơ sở; đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và hộ kinh doanh về quy trình giết mổ an toàn; tham mưu cho các ban, ngành cấp trên phấn đấu quy hoạch xây dựng từ 1-2 CSGM tập trung tại mỗi huyện, thành phố.

Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản chia sẻ: “Chi cục tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên ngành tăng cường thanh, kiểm tra các CSGM, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền quy định về giết mổ an toàn, yêu cầu các chủ cơ sở ký cam kết thực hiện nghiêm quy định vệ sinh thú y, ATTP. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, mỗi Trạm Thú y chỉ có từ 3-4 người khiến công tác quản lý giết mổ còn nhiều khó khăn. Đến nay, lực lượng thú y mới quản lý, đóng dấu kiểm soát tại 180/712 CSGM, chiếm tỷ lệ 25,2%”.

Bài, ảnh: HOÀNG HÀ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202505/tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-giet-mo-gia-suc-gia-cam-5217e6e/
Zalo