Tăng cường quản lý hang động, hố sụt trên Cao nguyên đá Đồng Văn
Trong những năm qua, trên địa bàn các huyện vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) xảy ra nhiều vụ tai nạn liên quan đến các hang động, hố sụt. Do đó, tỉnh cần sớm khảo sát, đánh giá hệ thống hang động, hố sụt nhằm nâng cao công tác quản lý, tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho người dân, du khách.
Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn là vùng núi đá vôi rộng khắp 4 huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang. Do biến động địa chất và tác động của thiên nhiên, vùng đất này hình thành nhiều hang động và hố sụt, tập trung ở các huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, hiện nay tỉnh khoanh vùng được 30 cụm di sản, trong đó xác định có 58 hang động và hố sụt. Đây là những hang động, hố sụt lớn đã được điều tra, khảo sát để quản lý, bảo vệ. Trong đó có những hang động đã được khai thác phục vụ du lịch.
Tuy nhiên, ngoài những hang động, hố sụt lớn, còn hàng trăm hang động, hố sụt nhỏ vẫn chưa được điều tra, khảo sát. Các hang, hố sụt nhỏ nằm ở thung lũng núi đá, ven đường, trên nương ngô, trong vườn nhà dân. Hầu hết các hang, hố sụt có miệng nhỏ hẹp, bị cây cối che lấp, cho nên rất khó phát hiện, dễ xảy ra tai nạn. Nếu chẳng may có người rơi xuống các hang, hố sụt, thì công tác cứu hộ rất khó khăn do các hang, hố sụp thường nhỏ hẹp, có độ sâu lớn, ẩm ướt, trơn trượt.
Sáng 3/4, khi đang đứng chụp ảnh tại khu vực Tượng đài Thanh niên xung phong, thôn Séo Sả Lủng, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), anh Thào Mí Ly, trú tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn bất ngờ bị xe ô-tô ủn xuống vực và vô tình rơi xuống hố sụt sâu hơn 50 mét. Sau nhiều giờ cố gắng, lực lượng chức năng đã cứu hộ thành công, kéo anh Ly lên mặt đất an toàn và đưa đến bệnh viện điều trị.
Ngoài vụ việc xảy ra ngày 3/4, vào tháng 4/2020 cũng đã xảy ra một vụ tai nạn người dân rơi xuống hố sụt sâu hàng trăm mét dẫn đến tử vong. Cụ thể, ngày 23/4/2020, anh Sùng Mí Say, trú tại xã Vần Chải, huyện Đồng Văn điều khiển xe máy chở anh Sùng Mí Ly trú cùng thôn, đi từ thôn Pó Sả, xã Sủng Trái về nhà ở xã Vần Chải. Đến đoạn đường liên xã, do xe máy hết xăng nên bị tụt dốc, cả anh Say và Ly cùng xe máy rơi xuống vực bên cạnh đường. Anh Ly bò lên đường, còn anh Sùng Mí Say không may trượt chân rơi xuống hang sâu ven đường, cửa hang rộng khoảng ba mét. Gia đình anh Say đã dùng dây thừng để xuống hang tìm kiếm nhưng không được vì hang quá sâu.
Nhận được thông tin, lực lượng cứu hộ, chủ chốt là Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh Hà Giang phối hợp cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Công an đã dùng các thiết bị hiện đại thực hiện công tác cứu hộ. Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân Sùng Mí Say, lực lượng cứu hộ đã phát hiện một xác người (chưa xác định được danh tính) đang phân hủy ở độ sâu 80 mét. Đến hơn 10 ngày sau vụ tai nạn, lực lượng cứu hộ mới đưa được nạn nhân Sùng Mí Say từ độ sâu hơn 250m lên mặt đất để bàn giao cho gia đình an táng.
Từ hai vụ tai nạn điển hình trên cho thấy mối nguy hiểm tiềm ẩn từ hệ thống hang động, hố sụt trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Từ thực tế đó, Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ đối với hệ thống hang động, hố sụt dễ gây tai nạn trên địa bàn; cắm biển cảnh báo nguy hiểm, làm rào chắn đối với những hang động, hố sụt nguy hiểm hoặc chưa được khảo sát.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn vẫn còn rất nhiều hang động, hố sụt chưa được quản lý chặt chẽ, chưa có biển cảnh báo nguy hiểm và rào chắn.
Do đó, các địa phương vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn cần chỉ đạo ngành chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường quản lý, bảo vệ số hang động đã phát hiện. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân cung cấp thông tin về những hang động, hố sụt nhỏ để đưa vào quản lý, làm rào chắn, cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Về lâu dài, tỉnh Hà Giang nên lập dự án điều tra, khảo sát, đánh giá toàn bộ hệ thống hang động và hố sụt trên Cao nguyên đá Đồng Văn để phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, khai thác giá trị để phát triển du lịch. Đồng thời có biện pháp quản lý hiệu quả, vừa tránh cho các hang động đẹp bị đập phá, vừa tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc cho người dân và du khách.