Tăng cường quản lý công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

ĐTO - An toàn thực phẩm (ATTP) là vấn đề quan tâm của nhiều người, thực phẩm thiếu an toàn sẽ đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, các ngành chức năng tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh nhiều biện pháp để chấn chỉnh công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn, góp phần đưa hoạt động này đi vào nền nếp, bảo đảm vệ sinh, sức khỏe cho Nhân dân...

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể Công ty TNHH MTV Thanh Bình Đồng Tháp

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh kiểm tra bếp ăn tập thể Công ty TNHH MTV Thanh Bình Đồng Tháp

Nỗi lo thực phẩm thiếu an toàn

Công tác bảo đảm ATTP luôn được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm kiểm tra, giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, 8 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm, tại huyện Lai Vung và TP Hồng Ngự làm nhiều người phải nhập viện. Mặc dù 2 vụ ngộ độc thực phẩm không gây tử vong, nhưng là lời cảnh báo về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại TP Hồng Ngự vào tháng 8/2024; nguyên nhân được xác định do ăn bánh mì thịt mà trong pate gan dùng để ăn kèm bánh mì có vi khuẩn Salmonellla. Cụ thể, theo báo cáo kết luận của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp ngày 7/8/2024, tại TP Hồng Ngự xảy ra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm làm 149 người nhập viện. Các trường hợp này đều ăn bánh mì của Cơ sở sản xuất bánh mì H.N.12 tại Khóm 3, phường An Thạnh, TP Hồng Ngự. Qua điều tra, xác minh, các cơ quan chức năng đã lấy 51 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm, kết quả có 29 mẫu nhiễm vi khuẩn Salmonella; lấy mẫu thực phẩm của cơ sở kiểm nghiệm, phát hiện trong mẫu pate gan có vi khuẩn Salmonella. Trong quá trình kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở còn tồn tại một số lỗi vi phạm như: tủ bày bán thức ăn không có trang bị dụng cụ chống sự xâm nhập của côn trùng, động vật gây hại; quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc “1 chiều” từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng.

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức 232 Đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh ATTP và đã phát hiện 449/6.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm điều kiện chung đảm bảo ATTP như: không thực hiện đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực “3 bước”; nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập; thiết bị, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh... Trong đó, đã xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với 15 cơ sở, với tổng số 66 triệu đồng; đồng thời áp dụng hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ hoạt động sản xuất có thời hạn) và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thu hồi, tiêu hủy sản phẩm. Đối với những cơ sở có hành vi vi phạm nhưng chưa đến mức xử phạt, Đoàn nhắc nhở và tuyên truyền hướng dẫn các chủ cơ sở khắc phục sớm.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh cũng đã kiểm tra công tác bảo đảm ATTP Tết Trung thu năm 2024. Theo đó, từ ngày 20/8 - 11/9, Đoàn đã kiểm tra thực tế tại 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh nhập khẩu các sản phẩm thực phẩm bánh, kẹo, bia, rượu, nước giải khát, thịt, sản phẩm từ thịt, các sản phẩm từ thủy sản, nguyên liệu chế biến các loại thực phẩm trên và một số đối tượng khác. Quá trình kiểm tra thực tế ghi nhận, hầu hết các cơ sở được kiểm tra có ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP, các cơ sở đã chủ động việc thực hiện các thủ tục hành chính, cập nhật kiến thức về ATTP. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cơ sở chưa đầu tư nâng cao điều kiện cơ sở vật chất; chưa trang bị đầy đủ bảo hộ ATTP theo quy định; chưa tập huấn kiến thức ATTP và chưa khám sức khỏe định kỳ... Đoàn đã đề nghị xử lý vi phạm hành chính 1 cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì vi phạm với các hành vi: sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, đeo khẩu trang; không cắt ngắn móng tay; không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, thức ăn ngay; không bảo đảm ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.

Tình trạng vi phạm trên là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Tăng cường kiểm soát phòng, chống nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 237 cơ sở sản xuất thực phẩm, 2.154 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 4.450 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, trên 5.100 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, chú trọng đến các hình thức như: tổ chức tập huấn cho người sản xuất, tuyên truyền qua loa truyền thanh, nói chuyện trực tiếp, xây dựng cụm pa-nô, áp-phích, phát tờ rơi tại điểm chợ, khu đông dân, tổ chức tốt Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh ATTP hàng năm.

Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Từ các đợt kiểm tra, các loại bánh kẹo, thực phẩm kém chất lượng đã bị thu giữ và xử lý.

Ông Võ Minh Phục - Chi cục Trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết: Qua công tác kiểm tra, giám sát, vẫn còn một số cơ sở chưa tuân thủ đầy đủ các điều kiện về ATTP. Để tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, giáo dục về vệ sinh ATTP cho người tiêu dùng và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tổ chức tập huấn, nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ làm công tác vệ sinh ATTP. Cùng với đó, các lực lượng chức năng thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh, không để xảy ra các tình huống xấu.

Ông Võ Minh Phục khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có thương hiệu, uy tín, cơ sở sạch sẽ đảm bảo điều kiện vệ sinh, thông thoáng, bảo đảm thực phẩm đúng quy định (thực phẩm để trên giá, kệ, che đậy...); mua bán các loại sản phẩm, thực phẩm có bao bì nguyên vẹn, nhãn mác đầy đủ thông tin, có nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm mới sản xuất, có hướng dẫn sử dụng...

Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh Đồng Tháp yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu và các dịp lễ hội. Công tác truyền thông được yêu cầu đẩy mạnh dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng. Chú trọng kiểm soát những đầu mối sản xuất, nhập khẩu, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc xuất xứ; tăng cường, kiểm soát bảo đảm ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm nhằm hướng tới mục tiêu an toàn, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm đã được triển khai.

Đảm bảo vệ sinh ATTP là một trong những yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người. Do vậy, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng rất cần sự chung tay của cả cộng đồng nhằm nâng cao kiến thức để lựa chọn và chế biến các loại thực phẩm an toàn, chất lượng.

Sông Ngân

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/suc-khoe/tang-cuong-quan-ly-cong-tac-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-125679.aspx
Zalo