Tăng cường quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường

Đây là nhấn mạnh của ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco tại Tọa đàm 'Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường', do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18.9.

Quản lý chất thải rắn hiệu quả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 nâng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt lên 95% ở khu vực thành thị, 90% ở khu vực nông thôn và 98% đối với chất thải nguy hại.

Nhằm góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030 và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” cho đến năm 2050, việc tìm các giải pháp, mô hình để cải thiện chính sách và gia tăng hiệu quả thực thi quản lý chất thải rắn rất cần thiết.

Đánh giá về thực trạng một số loại chất thải rắn như chất thải rắn xây dựng, chất thải điện tử và chất thải nhựa trên biển làm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường hiện nay, ông Nguyễn Hữu Tiến cho biết, thực tế, 3 loại chất thải này không phải “mới nổi”. Chúng đã có trong đời sống, sản xuất, sinh hoạt lâu nay.

Chất thải xây dựng phát sinh trong quá trình hoạt động xây dựng của cả các cơ quan, tổ chức và người dân. Hoạt động này theo quy định phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đến nơi quy định. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

 Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco phất biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco phất biểu tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Theo ông Nguyễn Hữu Tiến, lý do của bất cập này là bởi hiện nay, đa phần các tỉnh đều thiếu các cơ sở xử lý và tái chế, dù bản thân các chủ nguồn thải đối với nguồn chất thải xây dựng cũng chấp hành tương đối tốt theo Luật Xây dựng.

“Trong phạm vi cả nước hiện nay thiếu các cơ sở xử lý, nếu có cũng chỉ theo hình thức chôn lấp. Chúng ta thiếu cơ sở xử lý, tái chế phế thải xây dựng: thiếu cả về quy hoạch đầu tư xây dựng, cả về tiêu chuẩn để tái chế phế thải xây dựng”, ông Tiến cho hay.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam thông tin, nhiều năm nay, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu để đưa ra quy chuẩn tái chế phế thải xây dựng, từ phế thải có thể đưa vào sản xuất, sử dụng trong dân dụng. Tuy nhiên, tới nay, chúng ta cũng chưa ban hành được tiêu chuẩn.

Ở một số nước phát triển đã ban hành tiêu chuẩn để đưa phế thải xây dựng vào san nền, làm đường hoặc làm vật liệu. Việc chúng ta chưa ban hành được tiêu chuẩn cũng là một nguyên nhân khiến phế thải xây dựng chưa được quản lý tốt.

Với chất thải điện tử, ông Nguyễn Hữu Tiến đánh giá, hiện nay, lượng chất thải điện tử của Việt Nam không nhiều, bởi đa số thói quen tiêu dùng của người Việt vẫn đang dùng rất tốt chất thải điện tử và chưa đến chu kỳ thải bỏ nhiều. Tuy nhiên, đã bắt đầu phát sinh chất thải điện tử trong sinh hoạt như pin, đồ chơi điện tử của trẻ em,... Đặc biệt, pin dùng một lần đang được thải bỏ lẫn trong chất thải sinh hoạt.

“Đây là vấn đề cần phải quan tâm. Trong Luật Bảo vệ môi trường và hướng dẫn phân loại rác từ nguồn của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã hướng dẫn việc phân loại và thu gom, tái chế chất thải điện tử”, ông Tiến nhấn mạnh.

 Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18.9. Ảnh: Duy Thông

Các đại biểu tham dự Tọa đàm “Tăng cường kiểm soát nguồn thải, quản lý chất thải rắn để cải thiện môi trường” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18.9. Ảnh: Duy Thông

Với chất thải nhựa, đặc biệt là chất thải nhựa đổ ra biển gây ô nhiễm, ông Nguyễn Hữu Tiến nhấn mạnh, chúng ta đã có rất nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thu gom chất thải đại dương hoặc chất thải nhựa nói chung một cách hiệu quả. Tuy nhiên, lượng chất thải nhựa ra môi trường vẫn rất nhiều.

“Do đó, cần phải quay về bài toán quản lý nguồn phát thải, không để chất thải ra môi trường rồi mới bàn cách tổ chức thu gom, xử lý, tái chế. Để quản lý chất thải hiệu quả, phải bàn từ lúc sản xuất, đưa vào tiêu dùng và thu gom trước khi thải ra môi trường. Chúng ta bàn sâu về quản lý chất thải theo chủ đề này mới tìm được hướng đi để quản lý các nguồn thải tốt hơn. Theo đó, cần đi sâu vào quá trình theo dõi dòng đi của chất thải để đưa ra biện pháp quản lý chất thải, giảm ảnh hưởng tới môi trường một cách hiệu quả nhất”, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Hữu Tiến cũng nhấn mạnh, theo Luật Bảo vệ Môi trường mới, đặc biệt là quy định từ ngày 1.1.2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (tại từng hộ gia đình) sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển, nếu chúng ta thực thi tốt, hiệu quả ở tất cả các địa phương thì trong thời gian gần nhất, chúng ta sẽ quản lý tốt các nguồn phát thải. Từ đó, giảm gây ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước.

Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-quan-ly-chat-thai-ran-de-cai-thien-moi-truong-post390638.html
Zalo